Home / Tin tức / CHẾ ĐỘ SỞ HỮU TOÀN DÂN VỀ ĐẤT ĐAI VÀ QUYỀN ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI Ở VIỆT NAM

CHẾ ĐỘ SỞ HỮU TOÀN DÂN VỀ ĐẤT ĐAI VÀ QUYỀN ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI Ở VIỆT NAM

TS Nguyễn Đình Bồng

 

Đất là tài nguyên thiên nhiên, lãnh thổ thiêng liêng, tài sản quý giá của quốc gia, là tư liệu sản xuất chủ yếu, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, đất đai là di sản của các thế hệ. “Toàn thể một xã hội, một nước và thậm chí tất thảy các xã hội cùng sống trong một thời đại hợp lại, cũng đều không phải là kẻ sở hữu đất đai. Họ chỉ là người có đất đai ấy, họ chỉ được phép sử dụng đất đai ấy và phải truyền lại cho các thế hệ tương lai sau khi đó làm cho đất đai ấy tốt hơn lên như những người cha hiền vậy” (Karl Marx). Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã được xác định từ năm 1980 đến nay là “Đất đai… thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.” (Hiến pháp 2013, Điều 53). Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013 đã quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này” (Điều 4); Luật cũng quy định cụ thể về Quyền của đại diện chủ sở hữu về đất đai” (Điều 13 – Điều 20) và Trách nhiệm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai (Điều 21).

“Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước về đất đai ở Việt Nam” trình bày một số vấn đề về: Cơ sở lý luận về sở hữu đất đai; Cơ sở pháp lý về sở hữu đất đai ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Tình hình thực hiện vai trò, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước về đất đai theo quy định của Luật Đất đai 2013.

 

  1. Cơ sở lý luận về sở hữu đất đai

– Đất đai và địa tô:

Đất là tài nguyên thiên nhiên, ban tặng cho loài người, đất đai xuất hiện, tồn tại ngoài ý chí và nhận thức của con người, là sản phẩm của tự nhiên, có trước lao động, là điều kiện tự nhiên của lao động; đất đai là lãnh thổ quốc gia; đất đai là tài sản quý hiếm, có giới hạn; đất đai là tư liệu sản xuất không thể thay thế trong sản xuất nông lâm, ngư nghiệp; đất đai là di sản của các thế hệ loài người.

Địa tô có thể chia thành ba loại địa tô sai ngạch, địa tô độc chiếm và địa tô tuyệt. “Địa tô sai ngạch một” bao gồm địa tô độ phì nhiêu Ricardo và địa tô ưu thế vị trí Thunen, để nói về sự phát sinh chênh lệch trong thu lợi trên một đơn vị diện tích khi đầu tư cùng một lượng tư bản và lao động vào những đất có độ phì nhiêu và vị trí khác nhau. “Địa tô sai ngạch hai” là địa tô mật độ Ricardo (Intensittatsrente), là nói về chênh lệch thu lợi giữa hai lần đầu tư tư bản hoặc lao động liên tục trên cùng một thửa đất. Ngoài địa tô nói trên, Karl Marx còn đề cập đến địa tô độc chiếm. Lợi nhuận siêu ngạch (Surplusprofit) mà địa chủ thu được nhờ vào việc sở hữu đất đai có thể sản xuất ra các sản phẩm có giá cả độc chiếm, chính là địa tô độc chiếm. Ngày nay các công trình nghiên cứu địa tô của xã hội TBCN hiện đại, trên cơ sở kế thừa và phát triển lý luận kinh điển về địa tô của Karl Marx, Ricacdo đã xác định: địa tô sai ngạch trong xã hội TBCN ngày càng trở nên quan trọng; tương ứng như vậy, sự hình thành địa tô mà đại bộ phận là do sự độc chiếm vị trí tạo ra. Trong xã hội TBCN hiện đại người có quyền sở hữu đất đai và nhà tư bản là một. Tư bản hoá ròng, quyền sở hữu đất đai thúc đẩy mục tiêu phấn đấu của người sở hữu đất đai là địa tô lớn nhất có thể thực hiện được trong tương lai. Vấn đề đất đai cơ bản mà xã hội tư bản hiện đại gặp phải, không phải là thị trường đất đai thiếu vốn; trái lại, là ở chỗ vốn đã tập trung quá nhiều vào thị trường đất đai. Để đạt được việc ngăn chặn nguồn vốn tập trung vào thị trường đất đai, phải làm cho tổng số thuế chiếm giữ đất đai và giao dịch đất đai đủ lớn, để lợi ích từ việc mua bán chuyển dịch đất đai không lớn hơn lợi nhuận mà các ngành khác không phải là đất đai thu được. (Lý Thừa Gia, 1999, Tôn Gia Huyên, 2019) [8]

Đất đai và sở hữu đất đai: Karl Marx: “Toàn thể một xã hội, một nước và thậm chí tất thảy các xã hội cùng sống trong một thời đại hợp lại, cũng đều không phải là kẻ sở hữu đất đai. Họ chỉ là người có đất đai ấy, họ chỉ được phép sử dụng đất đai ấy và phải truyền lại cho các thế hệ tương lai sau khi đó làm cho đất đai ấy tốt hơn lên như những người cha hiền vậy”. Karl Marx cũng đã dự báo: “Vận động xã hội sẽ quyết định là ruộng đất chỉ có thể là sở hữu của nhà nước; sự tập trung toàn quốc những tư liệu sản xuất sẽ trở thành cơ sở toàn quốc của một xã hội gồm những tổ chức liên hợp của những nguồn sản xuất bình đẳng và tự do, tiến hành lao động xã hội theo một kế hoạch chung và hợp lý. Đó là các mục tiêu nhân đạo của sự vận động kinh tế vĩ đại của thế kỷ XIX đang dẫn đến” (Karl Marx – Ph. Angghen) [1]

Đất đai và tích tụ tư bản (vốn): Nhà kinh tế học cổ điển Adam Smith cho rằng: “Tư bản là động cơ cung cấp lực cho nền kinh tế thị trường, tư bản tích tụ được càng nhiều, thì càng có khả năng chuyên môn hoá hơn, và năng suất của xã hội sẽ càng cao hơn”. Simonde de Sismondi: “Tư bản là một giá trị, giá trị này tự tách khỏi sản phẩm tạo ra nó, trở thành một đại lượng siêu hình và phi thực thể luôn luôn nằm trong sự chiếm hữu của bất kể ai đó tạo ra nó, đối với người ấy giá trị này có thể được cố định ở một dạng khác”. Jean Baptiste Say: “Tư bản luôn luôn là phi vật chất do bản chất vì lẽ rằng không phải vật chất tạo ra tư bản mà là giá trị của vật chất ấy, giá trị chẳng hề có cái hữu hình về nó”. Paul A Samuelson: “Tư bản, giống như năng lượng, cũng là một giá trị đang nằm ngủ. Đưa tư bản vào cuộc sống đòi hỏi không chỉ nhìn nhận tư bản là tài sản, mà phải suy nghĩ năng động hơn. Nó đòi hỏi một quá trình để cố định tiềm năng kinh tế của một tài sản thành một dạng có thể dùng để khởi động quá trình sản xuất thêm”. Hernando De Soto: “Không thể kiểm soát nổi lượng tài sản khổng lồ được đổi chủ trong một nền kinh tế thị trường hiện đại nếu không thông qua một quá trình xác lập quyền sở hữu. Quyền sở hữu, không đơn thuần là giấy tờ mà là một công cụ làm trung gian, cái thâu tóm và lưu trữ hầu hết các thứ cần thiết để làm cho một nền kinh tế vận hành. Cần phải khơi dậy của cải từ đất bằng cách tạo cho mỗi thửa đất một “cuốn hộ chiếu” (Title of Land) [Hernando De Soto, Secrets of capital]  (Nguyễn Đình Bồng, 2021) [6]- Đất đai và kinh tế thị trường: Ngày nay, trên phạm vi toàn thế giới, thị trường trở thành một động lực mạnh mẽ của tăng trưởng, không có ai thiết kế ra thị trường, không có một bộ não hay hệ thống tính toán trung tâm, nhưng nó vẫn giải quyết được những vấn đề sản xuất và phân phối gồm hàng triệu ẩn số và mối tương quan mà không thể một mình ai biết được… Đó là vì nó đã trở thành một phương tiện giao tiếp để tập hợp tri thức và hành động của hàng triệu cá nhân khác nhau. Hoạt động của Nhà nước đặc biệt có tác dụng trong việc tạo ra và bảo hiểm cho quá trình người mua và người bán gặp nhau để xác định giá cả và sản lượng. Nghĩa là Chính phủ, với những mục tiêu cụ thể của mình, phải thông qua thị trường để giải quyết 3 vấn đề then chốt về kinh tế là sản xuất cái gì, sản xuất thế nào và sản xuất cho ai. Đất đai được xem là vật ký quỹ tốt nhất trong nền kinh tế thị trường phát triển. Những hệ thống đủ để đất đai được sử dụng vào mục đích này trở thành cơ sở cho một thị trường bất động sản có chức năng rõ ràng để hợp thành nền kinh tế đúng chức năng. Khoản nợ bất động sản (real credits), là khoản vay được bảo đảm bằng bất động sản, tạo thành một bộ phận rất lớn của thị trường tín dụng trong hầu hết các nền kinh tế thị trường. Vì vậy, cần phải có những biện pháp cần thiết để sáng tạo ra cơ sở tin cậy và hiệu quả để có một thị trường bất động sản – vừa có lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung vừa có lợi cho sự thịnh vượng của cá nhân người chủ bất động sản. (Tôn Gia Huyên, Nguyễn Đình Bồng, 2007) [7]

– Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ. (Nguyễn Văn Thạo) [10]

  1. Cơ sở pháp lý về sở hữu đất đai ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

2.1 Chính sách đất đai: Ba mươi lăm năm đổi mới, từ 1986 đến nay là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của Việt Nam. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản  Việt Nam  từ  khoá VI (1986) đến Khóa XIII (2021) đã xác định đường lối Đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, củng cố quốc phòng an ninh, hội nhập kinh tế thế giới. Đổi mới là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong thời kỳ Đổi mới, các Nghị quyết của Đảng đều ghi nhận các quan điểm, chủ trương, chính sách đất đai và quản lý đất đai. Đây là những định hướng quan trọng để Nhà nước xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật đất đai đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển đất nước trong từng thời kỳ, đặc biệt trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ, hội nhập quốc tế hiện nay. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) chỉ rõ: “Đổi mới hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về sở hữu đối với đất đai, tài nguyên, vốn và các tài sản công khác để… đất đai, tài nguyên, vốn, tài sản do Nhà nước đại diện chủ sở hữu được giao cho các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế sử dụng theo nguyên tắc hiệu quả” [2]. Nghị quyết số 19/NQ-TW, Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI (2012) đã  xác định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu, được xác định cụ thể phù hợp với từng loại đất, từng đối tượng và hình thức giao đất, cho thuê đất…” [3]

2.2. Pháp luật đất đai

Thể chế hóa chính sách đất đai của Đảng, kế thừa Hiến pháp 1992, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam 2013. Về quản lý và sử dụng đất đai Hiến pháp quy định: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.” (Điều 53); 1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. 2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ…” (Điều 54).

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013 đã quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử  dụng đất theo quy định của Luật này. (Điều 4).

Về vai trò và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai: Luật Đất đai quy định: “Quyền của đại diện chủ sở hữu về đất đai: 1. Quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất. 2. Quyết định mục đích sử dụng đất. 3. Quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất. 4. Quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất. 5. Quyết định giá đất. 6. Quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất. 7. Quyết định chính sách tài chính về đất đai. 8. Quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.” (Điều 13). Các quyền này được quy định cụ thể tại các Điều 14 – Điều 20.

Luật Đất đai quy định cụ thể trách nhiệm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai của Quốc hội, HĐND các cấp, Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 21).

– Luật Đất đai quy định 15 nội dung quản lý nhà nước về đất đai tại Điều 22.

3. Tình hình thực hiện vai trò, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước về đất đai theo quy định của Luật Đất đai 2013

Thi hành Luật Đất đai 2013, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết về thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/ 2017, Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai. Tình hình thực hiện vai trò và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu đất đai Nhà nước (2014-2020).

3.1. Nhà nước quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất

– Kết quả thực hiện: Quốc hội phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) 5 năm kỳ đầu (2011-2015) cấp quốc gia tại Nghị quyết số 17/2011/QH13 ngày 22/11/2011, Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09/4/2016 của Quốc hội về Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia. Chính phủ đã phê duyệt QHSDĐ đến năm 2020 và KHSDĐ 05 năm kỳ đầu (2011-2015) của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phê duyệt QHSDĐ An ninh, tại Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 15/12/2014 và QHSDĐ Quốc phòng tại Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 15 /12/2014. Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cho 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phê duyệt Nhiệm vụ lập QHSDĐ quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 12/5/2020.

– Đánh giá kết quả thực hiện

Một là những mặt được: “Sau 5 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 17/2011/QH13 của Quốc hội, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch, sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) cấp quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường, tài nguyên đất về cơ bản được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, bước đầu đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, quốc phòng, an ninh. Diện tích đất trồng lúa được bảo vệ, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu gạo bình quân 6,5 triệu tấn/năm. Bảo vệ và phát triển rừng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái” (Quốc hội, 2016) [4]. Công tác quy hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai đã được triển khai đến nay đã dần đi vào nền nếp, trở thành cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất, tạo tiền đề cho việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất phù hợp  yêu cầu CNH-HĐH đất nước.

Hai là những mặt hạn chế, bất cập: “Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thấp; Tính liên kết vùng chưa đạt yêu cầu, quản lý quy hoạch còn yếu; Việc chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch chưa nghiêm; Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, kém hiệu quả còn xảy ra ở nhiều nơi; Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời gây bức xúc trong nhân dân.” (Quốc hội, 2016) [4]

Ba là nguyên nhân của những hạn chế, bất cập: i) Việc triển khai lập, thẩm định, phê duyệt QHKHSDĐ các cấp chậm so với quy định của pháp luật, ii) Thiếu sự đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch các ngành, quy hoạch địa phương các cấp; iii) Việc tổ chức thực hiện QHKHSDĐ ở một số địa  phương còn hạn chế, tình trạng quy hoạch sử dụng đất treo còn tồn tại phổ biến chậm xử lý; Kỷ luật thực hiện QHKHSDĐ không nghiêm, có trường hợp còn tùy tiện thay đổi, điều chỉnh; coi trọng yếu tố kinh tế, khai thác, sử dụng đất đai hơn vấn đề an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch 2017 và Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 sủa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch; Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quy hoạch.

3.2  Nhà  nước quyết định  thu hồi đất, trưng dụng đất.

– Kết quả thực hiện: i) Tổng diện tích đất đã thu hồi thực hiện các dự án đầu tư trên 2.1 triệu ha (trong đó: khoảng 1.594.485,38 ha đất nông nghiệp, 591.787,73 ha đất phi nông nghiệp và 2.304,11 ha đất chưa sử dụng); ii) Thực hiện bồi thường bằng đất với diện tích 13 nghìn ha , chi trả bằng tiền, khoảng 46.900 tỷ đồng. Bồi thường tài sản gắn liền với đất với tổng số tiền gần 51.5 tỷ đồng, tiền hỗ trợ là 43.075,63 tỷ đồng; iii) Việc bố trí tái định cư tại các địa phương được thực hiện bằng việc giao đất ở hoặc nhà ở với tổng diện tích đất ở để bố trí tái định cư khoảng 567,40 ha cho 25.770 hộ gia đình, cá nhân (bình quân 220,18 m2/hộ) và diện tích nhà để bố trí tái định cư là 29.745 m2 cho 347 hộ gia đình, cá nhân. Đối với các hộ gia đình, cá nhân tự lo chỗ ở thì được Nhà nước hỗ trợ tiền để tự tìm chỗ ở tái định cư. (Tổng cục Quản lý Đất đai, 2020) [9]

– Đánh giá kết quả thực hiện

Một là những mặt được: Công tác thu hồi đất, trưng dụng đất đã đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng đất xây dựng cơ sở hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, các công trình xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn, công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Hai là những mặt hạn chế, bất cập: i) Nhiều dự án chậm thu hồi đất ảnh hưởng đến tiến độ  đầu tư, xây dựng, gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước, hiệu quả, lợi ích của nhà đầu tư và sinh kế của người dân có đất bị thu hồi; ii) Tranh chấp khiếu nại tố cáo về đất đai đặc biệt là các tranh chấp khiếu nại tố cáo  liên quan đến việc thực hiện chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất vẫn là vấn đề nóng, bức xúc!

Ba là nguyên nhân của những hạn chế, bất cập: i) Chế định pháp luật về thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng chưa cụ thể dẫn đến việc lạm dụng các trường hợp thu hồi đất vì lợi nhuận; ii) Giá bồi thường về đất (thường là thấp hơn giá đất thị trường) dẫn đến người có đất bị thu hồi không đồng thuận.

3.3. Nhà nước quyết định giá đất

– Kết quả thực hiện: Thi hành Luật Đất đai 2013, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất, Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành bảng giá đất giai đoạn (2014-2019) bảng giá đất giai đoạn (2020 -2024) theo khung giá đất của Chính phủ.

– Đánh giá  kết quả thực hiện

Một là những mặt đạt được: Luật Đất đai 2013 đã quy định nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất hoặc giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất; cùng một thời điểm các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau. Quy định khung giá đất, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và được điều chỉnh khi thị trường có biến động. Quy định xử lý đổi với giá đất giáp ranh. Quy định các trường hợp áp dung bảng giá đất và trường hợp UBND cấp tỉnh phải quyết định giá đất cụ thể. Quy định về cơ quan xây dựng, cơ quan thẩm định giá đất, tư vấn giá đất trong việc xác định giá đất. Chính phủ, các Bộ Ngành đã ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật Đất đai về giá đất và định giá đất, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành bảng giá đất theo quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện định giá đất và quản lý giá đất.

Hai là những mặt hạn chế, bất cập: Giá đất do các địa phương quy định chưa sát với giá chuyển nhượng QSDĐ thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường, dẫn đến những bất cập trong việc xác định giá đất để tính tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, tính tiền giao đất có thu tiền, cho thuê đất, thuế đất.

Ba là nguyên nhân của những mặt chưa đạt, hạn chế, bất cập: i) Chưa tổ chức được hệ thống theo dõi giá đất trên thị trường để làm cơ sở định giá đất phù hợp với giá đất trên thị trường trong điều kiện bình thường; ii) Những hạn chế về phát triển nguồn nhân lực, phương pháp luận, khoa học công nghệ trong việc định giá đất.

3.4. Nhà nước quyết định giao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất.

– Kết quả thực hiện: Tổng diện tích đất đã được giao cho các đối tượng sử dụng là 26.842.798 ha, chiếm 81,04%; giao đất cho các đối tượng để quản lý là 6.280.799 ha, chiếm 18,96% tổng diện tích tự nhiên; đã cấp được 43,8 triệu  Giấy chứng nhận (GCN) với tổng diện tích 23,5 triệu ha, đạt 97,2% diện tích các loại đất đang sử dụng phải cấp GCN. [5]

–  Đánh giá kết quả thực hiện

Một là những mặt được: Về cơ bản Nhà nước đã hoàn thành việc giao đất cho các đối tượng sử dụng và quản lý: Việc thực hiện Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội cả nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước theo chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020.

Hai là những mặt hạn chế, bất cập: Việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhà nước giao cho nông trường, lâm trường, ban quản lý rừng còn kém hiệu quả, chặm khắc phục, việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt phương án tổng thể đạt trên 97%, việc sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới của các địa phương đơn vị đạt 63,5%; cấp Giấy chứng nhận, (cấp đổi theo kết quả đo đạc địa chính chính quy) 1.666 hồ sơ/9.862 hồ sơ; về phê duyệt phương án sử dụng đất: có 13/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Một số đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước sử dụng đất trụ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn lãng phí, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Ba là nguyên nhân của  những mặt chưa được, hạn chế, bất cập: i) Việc quản lý sử dụng đất nông lâm trường một thời gia dài buông lỏng từ khâu quy hoạch đến quản lý, sử dụng dẫn đến kém hiệu quả, tranh chấp, lấn chiếm… chậm khắc phục. Việc quản lý sử dụng đất trụ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở một số địa phương không chặt chẽ, dẫn đến những vi phạm pháp luật đất đai trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, liên doanh liên kết sản xuất kinh doanh.

3.5. Nhà nước quyết định chính sách tài chính về  đất  đai.

– Kết quả thực hiện: Thi hành Luật Đất đai, số tiền thu từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) đã tăng qua các năm cho ngân sách nhà nước. Cụ thể năm 2013 là 54.434 tỷ đồng, năm 2014 là 55.138 tỷ đồng, năm 2015 là 84.810 tỷ đồng, năm 2016 là 115.290 tỷ đồng, năm 2017 là 104.400 tỷ đồng và năm 2018 là 121.400 tỷ đồng, năm 2019 đạt trên 191,5 nghìn tỷ đồng. Nguồn thu từ đất, chiếm 12%-15% thu ngân sách nội địa hàng năm, r năm 2019 so với 2015 tăng gần 2,5 lần. Tổng diện tích đấu giá QSDĐ: 934,84 ha (trong đó: đất ở 517,92 ha, đất phi nông nghiệp 406,92 ha, đất nông nghiệp 10,00ha); Tổng giá trị đấu giá thành công: 19.675.390,30 triệu đồng; Tổng chi phí thực hiện đấu giá: 1.475.171,95 triệu đồng. [9]

Đánh giá  kết quả thực hiện

Một là những mặt được: Quy định về tài chính đất đai, hệ thống chính sách tài chính đất đai đã từng bước được hoàn thiện, cơ bản bảo đảm về cơ chế để điều chỉnh các quan hệ về đất đai, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất, nhất là quyền bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; bổ sung các quy định cụ thể về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… Những quy định này đã góp phần thúc đẩy việc sử dụng đất có hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với thực tiễn.

Hai là những mặt hạn chế, bất cập i) Sự hạn chế trong việc xác định giá đất tính tiền khi giao đất, cho thuê đất, thu thuế chuyển QSDĐ nông nghiệp, thuế chuyển QSDĐ phi nông nghiệp, lệ phí, trước bạ có thể dẫn đến chưa khai thác đầy đủ nguồn thu từ đất; ii) Việc xác định giá đất trước và sau khi quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn nhà nước chưa đảm bảo điều tiết giá trị giá tăng vào ngân sách nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai.

Ba là nguyên nhân của những hạn chế, bất cập: những hạn chế trong việc quản lý quy hoạch, đầu tư, tài chính đất đai và giá đất.

3.6. Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất.

– Những kết quả đạt được: i) Luật Đất đai 2013 quy định: phân loại đất theo mục đích sử dụng theo 3 nhóm: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng (Điều 10). ii) Luật Đất đai 2013 quy định chế độ sử dụng  các loại đất (Chương X, các Điều từ Điều 129 đến Điều 165).

– Đánh giá kết quả thực hiện

Một là những mặt được: i) Phân loại đất là cơ sở để thống kê, kiểm kê đất đai, quy định mục địch sử dụng đất, quyết định mục đích sử dụng đất trong việc phê duyệt quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, ii) Các quy định này là cơ sở pháp lý để quản lý sử dụng dụng đất, hiệu quả, hợp lý, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

Hai là những hạn chế, bất cập: i) Có ý kiến cho rằng gộp đất lâm nghiệp vào nhóm đất nông nghiệp là không hợp lý vì đối tượng và yếu cầu quản lý đối với đất lâm nghiệp khác với đất nông nghiệp; Ý kiến khác cho rằng: gộp các loại đất ở đô thị, đất ở nông thôn, đất chuyên dùng, đất cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội vào nhóm đất phi nông nghiệp là không hợp lý vì đối tượng và yêu cầu quản lý đối với các loại đất này là khác nhau; iii) Luật Đất đai hiện hành còn thiếu các quy định về quản lý sử dụng đất đa mục đích (đất mặt nước chuyên dùng – hồ thủy điện, thủy lợi…), xây dựng công trình đa năng trên đất (Condotel, Shophous, Offichous).

Ba là nguyên nhân  của những hạn chế: i) Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội sự xuất hiện của các loại hình sử dụng đất mới là một thực tế khách quan cần nghiên cứu, cập nhật. Tuy nhiên cũng cần nắm vững nguyên tắc: Thửa đất (land pacel) là đơn vị cơ bản của quản lý đất đai (quản lý theo thửa đất và chủ sủ dụng đất). Mỗi thửa đất có mục đích sử dụng cụ thể được xác nhận trên giấy chứng nhận. Những phát sinh về chủ sử dụng đất thứ cấp với mục đích sử dụng thứ cấp (Condotel, Shophous, Offichous) cần điều chỉnh theo hướng chứng nhận tài sản  trong giao dịch dân sự; ii) Việc thay đổi phân loại đất dẫn đến thay đổi hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai cần được xử lý thận trọng, khoa học.

3.7. Nhà nước quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất.

Luật Đất đai 2013 quy định thời hạn sử dụng đất tại Chương X Chế độ sử dụng các loại đất, Mục I Thời hạn sử dụng đất  (Điều 125-128); quy định hạn mức sử dụng đất Nông nghiệp tại Mục II Đất nông nghiệp (Điều 129-130). Theo đó thời hạn sử dụng đất nông nghiệp đối với cây hàng năm và cây lâu năm là 50 năm. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân  trực tiếp sản xuất nông nghiệp là không quá 3 ha/hộ (Điều 129). Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 129 Luật Đất đai. (Điều 130).

3.8. Nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất: Về quyền của người sử dụng đất, Luật Đất đai 2013 quy định: Quyền chung của người sử dụng đất (Điều 166); Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất: (Điều 167). Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất: (Điều 170). (Nội dung này sẽ được đề cập trong bài báo khác).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Mac-Ph Angghen toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội 1994.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XI  , Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội 2011, tr 207.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 19/NQ-TW, Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI, ngày ngày 31 tháng 10 năm 2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
  4. Quốc hội, Nghị quyết số: 134/2016/QH13, 134/2016/QH13 của Quốc hội, Về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020), cấp Quốc gia.
  5. Bộ Tài nguyên và Môi trường Quyết định số 2908/QĐ-BTNMT ngày 13/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2018.
  6. Nguyễn Đinh Bồng, 2021 Quản lý đất đai ở Việt Nam 1980-2020, Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và công nghệ, (tr 320-327).
  7. Tôn Gia Huyên, Nguyễn Đình Bồng, 2007, Quản lý đất đai và Thị trường bất động sản, Nhà xuất bản Bản đồ.
  8. Tôn Gia Huyên (biên dịch và chuyển ngữ), Lý luận về Đia chính hiện đại, Hội Khoa học Đất Việt nam, 2019, tr 358-362).
  9. Tổng cục Quản lý Đất đai, 2020, Báo cao tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2020
  10. http://hdll.vn/vi/nghien-cuu—trao-doi/dang-cong-san-viet-nam-lanh-dao-phat-trien-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia—thanh-tuu-va-kinh-nghiem–%E2%80%8B.html Ngày phát hành: 24/06/2021

Summary

THE PEOPLE’S OWNERSHIP OF LAND AND REPRESENTATIVE RIGHTS OF STATE OWNER’S LAND IN VIETNAM

Dr. Nguyen Dinh Bong

Land is a natural resource, a sacred territory, a valuable asset of the nation, a major means of production, an important resource for the development of the country, and a legacy of generations. “An entire society, a country, and even all societies living in the same era combined, are not landowners. They are only people who own that land, they are only allowed to use that land and have to pass it on to future generations after that to make it better like good fathers” (Karl Marx) . The consistent view of our Party, State and People has been defined since 1980 as “Land… is owned by the entire people, represented by the State and uniformly managed.” (Constitution 2013 ,Article 53). Concretizing the provisions of the 2013 Constitution, the 2013 Land Law stipulates: “Land belongs to the entire people, and is managed by the State on behalf of the owner and uniformly managed. The State grants land use rights to land users in accordance with this Law” (Article 4); The Law also specifically stipulates the right of the representative of the land owner” (Articles 13-Article 20) and the responsibility to exercise the right to represent the land owner (Article 21). “The all-people ownership of land and the right to represent the State owner of land in Vietnam – Theory and practice” presents a number of issues on: Theoretical foundations of land ownership; Legal basis for land ownership in Vietnam in the current period, The situation of implementing the roles and responsibilities of the representative of the State owner on land in accordance with the provisions of the Land Law 2013.

 

 

 

024 3821 0374