Home / Tin tức / ĐIỆN BIÊN: HƯỚNG TỚI ĐO ĐẠC, QUY CHỦ DIỆN TÍCH ĐẤT LÂM NGHIỆP CHƯA CÓ RỪNG

ĐIỆN BIÊN: HƯỚNG TỚI ĐO ĐẠC, QUY CHỦ DIỆN TÍCH ĐẤT LÂM NGHIỆP CHƯA CÓ RỪNG

Đó là chỉ đạo của ông Lò Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Trưởng Ban chỉ đạo giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2019 – 2020.

Lò Văn Tiến – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện giao đấtgiao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2019 – 2023 .

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp giai đoạn 2019 – 2023 trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Ban Chỉ đạo giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã tuyên truyền phổ biến Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp và có cơ chế chính sách về công tác giao đất, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp chưa có rừng trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả, đã thực hiện giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp có rừng với diện tích 27.017,6ha/31.772,27ha (đạt 85% kế hoạch).

Cụ thể, theo kế hoạch đề ra, giai đoạn 2019 – 2023, toàn tỉnh phải triển khai thực hiện rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp đối với diện tích 366.626,85ha. Trong đó, đất lâm nghiệp có rừng là 31.772,27ha, đất lâm nghiệp chưa có rừng là 334.854,58ha. Tính đến hết 31/12/2020, toàn tỉnh đã thực hiện giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp có rừng cho 633 tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích đất là 27.017,6ha. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, trình UBND tỉnh giao đất, giao rừng cho 2 tổ chức với diện tích là 14.710,55ha; UBND các huyện Điện Biên Đông, Mường Nhé, Tuần Giáo giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình với diện tích 12.307,05ha.

Tính lũy kế đến nay, đã giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp chưa có rừng, có rừng cho 5.269 tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích đất là 355.143,75ha. Diện tích đất lâm nghiệp còn lại chưa giao đất, cấp GCNQSDĐ là 339.609,25ha; (đất lâm nghiệp có rừng là 59.628,75ha, đất lâm nghiệp chưa có rừng là 279.980,5ha).

Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức rà soát, thẩm định diện tích của các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để đề xuất phương án quản lý rừng bền vững của các Ban quản lý rừng phòng hộ (các huyện Tuần Giáo, Mường Chà, Điện Biên). Hướng dẫn, tham gia việc lập, thẩm định, phê duyệt Phương án kỹ thuật dự toán kinh phí rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp giai đoạn 2019 – 2023 trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Hiện có 5/10 đơn vị cấp huyện đã lập dự toán kinh phí gửi thẩm định (Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên Đông, Nậm Pồ và thành phố Điện Biên Phủ; 1/10 đơn vị cấp huyện (huyện Mường Nhé) đã phê duyệt dự toán kinh phí đối với đất lâm nghiệp có rừng.

Tỉnh Điện Biên hướng tới đo đạc, quy chủ. tất cả diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch nhưng chưa có rừng.

Trong quá trình triển khai thực hiện giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc: Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện của một số đơn vị cấp huyện thực hiện chậm, việc phê duyệt Phương án kỹ thuật – dự toán kinh phí rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp giai đoạn 2019 – 2023 còn chưa thực hiện; dự toán kinh phí thực hiện đo đạc, lập hồ sơ giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ đất lâm nghiệp thấp; dịch Covid-19 đã làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, tập huấn giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ…

Theo ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, thời gian tới, tất cả diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch nhưng chưa có rừng phải được đo đạc, quy chủ (riêng diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ giữ nguyên). Về kinh phí thực hiện dứt điểm tỉnh sẽ tiếp tục bàn bạc, thống nhất. Hướng thực hiện làm cuốn chiếu, không làm dàn trải. Đối với cấp huyện chọn huyện Mường Nhé làm điểm và cấp xã chọn xã Phu Luông (huyện Điện Biên) làm điểm. Tiếp tục thực hiện tuyên truyền phổ biến Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp và các cơ chế chính sách để người dân hiểu, tham gia giao đất, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp chưa có rừng. Rà soát lại toàn bộ quỹ đất lâm nghiệp chưa có rừng trên địa bàn để thực hiện trồng cây Mắc ca, thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư trồng cây Mắc ca…

Theo báo Tài nguyên và môi trường

024 3821 0374