Home / Tin tức / THỰC HIỆN LẬP QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỰC HIỆN LẬP QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Sáng 5/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã chủ trì buổi làm việc với Tổng cục Quản lý đất đai và một số đơn vị có liên quan về tình hình thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Chu An Trường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, thực hiện Nghị quyết số 67 ngày 12/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 1708 ngày 5/8/2020 của Bộ TN&MT về ban hành Kế hoạch lập quy hoạch, thời gian qua Tổng cục đã nỗ lực triển khai các nội dung theo Kế hoạch được giao.

Cụ thể, Tổng cục đã thành lập Ban Quản lý nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về thông tin, dữ liệu đầu vào về nhu cầu cầu của các Bộ ngành, địa phương, Bộ đã có văn bản gửi các Bộ ngành, địa phương yêu cầu Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 134/2016/QH13, đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, Tổng cục đã nhận được báo cáo của 10/14 Bộ, ngành Trung ương;  41/63 tỉnh thành phố.

Quang cảnh buổi làm việc trực tuyến

Trên cơ sở báo cáo của các Bộ và địa phương, Tổng cục đã tiến hành rà soát, đánh giá thông tin tài liệu, rà soát nhu cầu của các địa phương; đối với các tỉnh báo cáo còn chưa đáp ứng yêu cầu, Tổng cục đã có văn bản yêu cầu bổ sung cụ thể các nội dung. Dự kiến trong trong tháng 3, 4, Tổng cục sẽ tổ chức các Đoàn, Tổ công tác của Tổng cục để làm việc với các Bộ ngành và địa phương và khảo sát thực địa.

Bên cạnh đó, Tổng cục đã rà soát bổ sung, biên tập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2020 của 6 vùng kinh tế – xã hội  trên cơ sở dữ liệu bản đồ Hiện trạng kiểm kê 2019 và cơ sở dữ liệu, bản đồ đất trồng lúa; Xây dựng bản đồ kết quả thực hiện quy hoach sử dụng đất; tổ chức đánh giá ban đầu kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo Nghị quyết số 134/2016/QH13.

Đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu phân bổ quốc gia cho các địa phương thực hiện, đây là cơ sở quan trọng trong việc rà soát cân đối, phân bổ cho các địa phương trong kỳ quy hoạch 2021 – 2030, giúp hạn chế tình trạng quy hoạch treo gây khó khăn cho người sử dụng đất; Nghiên cứu tiềm năng đất đai phục vụ phân vùng sử dụng đất và rà soát tác động của các yếu tố biến đổi khí hậu đến sử dụng đất.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Tổng cục còn gặp một số khó khăn do chất lượng các thông tin đầu vào do các Bộ ngành và địa phương cung cấp chậm và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, nguyên nhân chủ yếu do quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh không còn và nội dung quy hoạch được lồng ghép một phần trong quy hoạch tỉnh (do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh chủ trì), quy hoạch các tỉnh chủ yếu mới được triển khai; quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành do Bộ ngành chủ trì chủ yếu mới đang trong quá trình lập nhiệm vụ hoặc mới bắt đầu triển khai.

Để đảm bảo đúng tiến độ lập các quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Tổng cục Quản lý đất đai có kiến nghị Bộ TN&MT chỉ đạo, sớm Ban hành quy định về tiêu chuẩn chuyên gia quy hoạch trong nước thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý (gồm cả chuyên gia trong và ngoài Bộ); Tổng cục Khí tượng thủy văn phối hợp cung cấp số liệu quan trắc tại các trạm quan trắc thủy triều, xâm nhập mặn tại các trạm thủy văn; kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp chặt chẽ, trao đổi, cung cấp thông tin quy hoạch trong quá trình triển khai quy hoạch của lĩnh vực nhằm đảm bảo các quy hoạch được đồng bộ, không xung đột…

Tại buổi làm việc, đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, sẽ tăng cường  phối hợp chặt chẽ, trao đổi, cung cấp thông tin quy hoạch trong quá trình triển khai quy hoạch của Tổng cục Quản lý đất đai.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đánh giá cao Tổng cục Quản lý đất đai trong việc chủ động triển khai các nội dung theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết của Chính phủ, kế hoạch của Bộ TN&MT.

Thứ trưởng cũng chia sẻ khó khăn về số liệu của các Bộ ngành, địa phương. Đây là nguyên nhân khách quan do quy hoạch Bộ, ngành, địa phương cũng đang được triển khai đầu kỳ do đó, Tổng cục cần bám sát chỉ tiêu phân bổ do quốc gia quản lý; chủ động cập nhật các số liệu quy hoạch của các Bộ ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Minh Ngân yêu cầu, Tổng cục khi thực hiện xây dựng lập quy hoạch khi phân bổ cần có sự đổi mới, nhất là phải tiên lượng được các chỉ tiêu sử dụng đất của các vùng, địa phương tránh để có địa phương sử dụng đất không đủ chi tiêu, có địa phương thiếu chỉ tiêu phải xin điều chỉnh. Đồng thời, cần có phương án thực hiện linh hoạt để khi dịch bệnh diễn ra vẫn đảm bảo tiến độ theo kế hoạch của Bộ.

Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ tăng cường phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai nhằm đảm bảo các quy hoạch được đồng bộ, nhất là Tổng cục Khí tượng thủy văn kịp thời cung cấp các số liệu quan trắc thủy văn để Tổng cục Quản lý đất đai có cơ sở để đưa ra phương án sử dụng đất hợp lý.

Trường Giang (Báo TNMT)

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU VỀ TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẤT CỦA HỘI KHOA HỌC ĐẤT VIỆT NAM

Tạp chí Khoa học Đất có giấy phép xuất bản số 342/GP-BTTTT ngày 28/6/2016 của Bộ Thông tin Truyền thông, ISSN 2525-2216.
Tên tiếng Anh: VIETNAM SOIL SCIENCE

 

024 3821 0374