Home / Tin tức / HỘI THẢO “ CHÍNH SÁCH SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN ĐẤT VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ CÔNG NGHIỆP HÓA” NĂM 2016

HỘI THẢO “ CHÍNH SÁCH SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN ĐẤT VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ CÔNG NGHIỆP HÓA” NĂM 2016

Thực hiện chương trình tư vấn phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam năm 2016, Hội Khoa học Đất Việt Nam đã thực thiện Hội thảo Chính sách sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu và công nghiệp hóa“. Sau đây là kết luận của Hội thảo.

 

BĐKH là hậu quả của việc nóng lên toàn cầu do con người gây ra trong họat động để phát triển kinh tế xã hội trong đó có đóng góp của sử dụng đất. Cũng do tác động của BĐKH mà sử dụng đất ở nước ta đang đứng trước nguy cơ bị tổn hại do ngập úng, xói mòn, rửa trôi bề mặt đất, sạt lở, khô hạn, mặn hóa, thoái hóa đất, … Để bảo vệ tài nguyên đất vốn đã hạn hẹp ở nước ta, rất cần phải có chiến lược dài hạn, ban hành các chính sách để sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất trước khi quá muộn.

Các chính sách và chiến lược sử dụng đất cần tập trung vào các vấn đề lớn sau đây:

  1. Xây dựng chiến lược sử dụng đất cấp quốc gia và cấp vùng

– Cấp quốc gia: hiện nay ở cấp quốc gia chúng ta đã có quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, tuy nhiên trước những diễn biến nhanh và phức tạp của BĐKH ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống tiêu cực ở các vùng và trên cả nước như tình trạng khô hạn nặng ở ĐBSCL và Tây Nguyên năm 2015-2016 chúng ta không lường trước được. Hậu quả của nó để lại rất nặng nề, sản lượng lúa của cả nước giảm, năng suất cà phê thấp, nhiều diện tích không cho thu hoạch. Các vùng khác như duyên hải Nam Trung Bộ, trung du miền núi phía Bắc lũ lụt cũng gây thiệt hại lớn về người và cơ sở vật chất cho nhân dân.

Đứng trước những nguy cơ ngày càng tăng đối với SDĐ trên phạm vi quốc gia và dựa vào các kịch bản của BĐKH rất cần có chiến lược SDĐ cấp quốc gia đến năm 2030-2050 và tầm nhìn xa hơn nữa. Trên cơ sở đó để các vùng cụ thể hóa thành chiến lược sử dụng bảo vệ đất cho cấp vùng.

– Cấp vùng: vùng ĐBSCL sử dụng đất chú trọng đến chống ngập, xâm nhập mặn, bảo vệ đất lúa, đất cây ăn quả, phát triển nuôi trồng thủy sản, trồng rừng ngập mặn ven biển, cửa sông… Theo một số chuyên gia về thủy lợi lượng phù sa hàng năm hiện nay mỗi năm về ĐBSCL là khoảng 70 triệu tấn bằng một nửa trước đây. Nếu trên sông Mê Kông có thêm nhiều đập thủy điện nữa thì lượng phù sa về ĐBSCL tiếp tục sẽ giảm tiếp chỉ còn 30 triệu tấn/năm. Đây là nguy cơ đối với SDĐ ở ĐBSCL. Cần phải được tính đến và có biện pháp đối phó lâu dài.

– Xâm nhập mặn sâu và thiếu nước ngọt cũng gây nên xáo trộn lớn trong việc SDĐ ở ĐBSCL. Có đắp đê ngăn mặn hay không, đắp đê ở vùng nào cũng là vấn đề lớn ở ĐBSCL vẫn chưa có câu trả lời trong chiến lược SDĐ của vùng.

Vùng ĐNB và TN. Đây là vùng trồng cây công nghiệp lớn nhất cả nước. Xói mòn, rửa trôi đất, khô hạn kéo dài, thiếu nước tưới trầm trọng vào mùa khô, mất rừng, suy giảm chất lượng rừng là các yếu tố đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến SDĐ ở cả hai vùng.

Vùng duyên hải Bắc và Nam Trung Bộ tác hại của BĐKH gây ra với hạn hán, lũ lụt cường độ và tần suất ngày càng tăng, thiệt hại ngày càng lớn. Môi trường nước và đất bị ô nhiễm có nguy cơ thu hẹp đất sản xuất và đe dọa đến SDĐ bền vững ở một số vùng.

Vùng ĐBSH dưới tác động của BĐKH đến SDĐ thì vùng này ít bị tác động so với ĐBSCL. Vấn đề chính là củng cố hệ thống đê biển, trồng lại rừng ngập mặn vùng ven biển, cửa sông và có chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng, thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ. Cần có nghiên cứu về giống, cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đặc biệt là vùng ven biển.

Vùng trung du miền núi phía Bắc, BĐKH sẽ ảnh hưởng đến SDĐ bởi các yếu tố mưa, lũ, hạn kéo dài, mùa đông ở một số vùng cao lạnh hơn, một số vùng có tuyết rơi như Sa Pa, Mẫu Sơn, Hà Giang… như năm 2015, 2016. Khôi phục và tăng diện tích và chất lượng rừng, phát triển, canh tác nông lâm kết hợp là phương hướng thích hợp nhất đối với SDĐ bền vững của vùng.

  1. Chính sách sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất

Việt Nam đã chú ý tới nghiên cứu ảnh hường của BĐKH đến sự phát triển kinh tế, dự báo nguy cơ ảnh hưởng của BĐKH ở cấp quốc gia, nhưng chủ yếu vẫn là các kịch bản xác định mức độ ngập diện tích đất với từng vùng.

Trên cơ sở xây dựng chiến lược sử dụng bảo vệ tài nguyên đất đến năm 2030 và 2050 tầm nhìn xa hơn nữa, các chính sách cần tập trung vào các vấn đề sau:

  1. a) Chính sách đầu tư: ngay từ bây giờ cần xác định chính sách ưu tiên đầu tư hàng năm và dài hạn để chống ngập cho một số diện tích đất sản xuất trồng lúa, cây ăn quả ở 2 vùng ĐBSCL và ĐBSH nơi bị ngập nhiều nhất do nước biển dâng cao. Đầu tư cho hệ thống đê biển, đê bao ở từng tỉnh để hạn chế mất đất sản xuất. Học tập các nước khác về kinh nghiệm bảo vệ đất sản xuất khi nước biển dâng cao.

Đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi phục vụ cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở vùng ven biển, vùng ngập úng sang cây trồng và vật nuôi khác trong điều kiện BĐKH.

  1. b) Đầu tư cho lâm nghiệp: mở rộng, khôi phục diện tích rừng ngập mặn ở ven biển có tác dụng bảo vệ đất sản xuất, làm tăng nguồn lợi hải sản vùng ngập mặn, đây có thể là lợi thế ở vùng ven biển.

Giữ và trồng lại rừng phòng hộ, rừng tự nhiên ở các lưu vực sông (Việt nam có 14 hệ thống sông chính) xác định đủ độ che phủ bởi rừng ưu việt nhất ở từng lưu vực để đảm bảo giữ nước, hạn chế lũ lụt, xói mòn, giảm tác hại của khô hạn bảo vệ đất sản xuất. Giao rừng và đầu tư cho người dân có nguồn thu từ rừng đảm bảo cuộc sống cho người giữ rừng (học tập kinh nghiệm từ các nước như Nhật, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan).

  1. c) Chính sách khoa học kỹ thuật: Đầu tư cho khoa học kỹ thuật tập trung vào lĩnh vực sau:

– Xây dựng hệ thống bản đồ đất bị ngập do nước biển dâng năm 2030, 2050, 2100 để có giải pháp ứng phó khi nước biển dâng cao do BĐKH, toàn quốc và cho các vùng.

– Đầu tư xây dựng bản đồ ngập lụt, bản đồ dự báo rủi ro thiên tai để chủ động có kế hoạch sử dụng đất trong điều kiện mưa lũ ngập úng càng tăng nhất là vùng duyên hải Bắc và Nam Trung bộ.

– Xây dựng bản đồ dự báo hạn hán, xói mòn đất, cảnh báo hoang mạc hóa ở các vùng để có các biện pháp công trình và phi công trình bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp.

– Nghiên cứu về giống cây trồng chịu ngập úng, mặn, khô hạn và kỹ thuật canh tác thích ứng với BĐKH.

– Quan trắc thoái hóa môi trường đất đối với các loại cây trồng chính như lúa, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả để đưa ra cảnh báo trong việc sử dụng đất bền vững trên phạm vi toàn quốc.

– Nghiên cứu chất hữu cơ, vật liệu mới bón vào đất để chống khô hạn, bảo vệ đất ở những vùng thiếu nước vào mùa khô và tăng năng suất cây trồng.

  1. d) Bình quân diện tích đất nông nghiệp tính theo đầu người đã xuống đến mức tới hạn trong khi dân số vẫn tiếp tục tăng – không nên để thấp hơn

Để bảo vệ cho được diện tích đất nông nghiệp hiện có, nên đặt ra các mục tiêu phấn đấu sau đây:

– Biển lấn đến đâu thì trồng rừng ven biển đến đó, nếu lấn vào 1 ha đất nông nghiệp thì phải tìm cách khai phá thêm 1 ha đất nông nghiệp ở trung du, miền núi.

– Triển khai nghiên cứu mạnh mẽ khoa học, công nghệ theo hướng thâm dụng đất nông nghiệp, nâng cao năng suất đất đai và năng suất lao động, không ngừng cải thiện gia tăng đất đai.

– Địa phương nào mà các khu công nghiệp chưa lấp đầy đến mức 75-80% diện tích thì không được phép xây dựng khu công nghiệp mới lấn vào đất nông nghiệp.

– Những tổ chức và cá nhân được phép chuyển đổi đất nông nghiệp vào mục đích khác, ngoài việc phải trả tiền sử dụng đất thông thường, còn phải trả thêm chi phí đền bù thiệt hại về đất nông nghiệp hoặc chi phí khai hoang phục hóa đất nông nghiệp với diện tích tương đương.

– Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và kinh tế – xã hội để khai thác các vùng đất xấu vào mục đích phi nông nghiệp.

Với định hướng CNH-HĐH đất nước, quá trình CNH-HĐH đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết đối với môi trường và tài nguyên đất. Chỉ tiêu tăng GDP gấp 2,2 lần trong 10 năm tới với mức tăng trưởng công nghiệp hàng năm 13% sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng ô nhiễm ở các KCN và vùng đô thị; việc CNH-HĐH các ngành công nghiệp nặng gây ra những ảnh hưởng không thể bỏ qua với môi trường đất và nước. Song song với quá trình CNH-HĐH, chúng ta đang phải chịu những áp lực về thay đổi cấu trúc và mô hình phát triển do sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường ngày càng lộ rõ. Do đó, các mối quan tâm về môi trường cần được lồng ghép ngay từ quá trình ra các quyết định về phát triến kinh tế và xã hội.

Tóm lại, BĐKH và quá trình CNH-HĐH đã và đang có ảnh hưởng lớn tới sử dụng đất ở tất cả các vùng ở nước ta. Chúng ta cần sớm xây dựng chính sách chiến lược bảo vệ tài nguyên đất, vấn đề đã trở nên cấp bách đối với sử dụng đất và sử dụng đất bền vững ở nước ta.

 

024 3821 0374