Home / Tin tức / ĐIỀU TRA CƠ BẢN VỀ CHẤT LƯỢNG ĐẤT ĐAI THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

ĐIỀU TRA CƠ BẢN VỀ CHẤT LƯỢNG ĐẤT ĐAI THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

TS Nguyễn Đình Bồng

1. Vị trí, vai trò của  điều tra cơ bản về chất lượng đất đai trong quản lý đất đai

Đất đai (Land) là tài nguyên thiên nhiên, tài sản quốc gia quý báu, tư liệu sản xuất không thể thay thế trong sản xuất nông lâm nghiệp. Đất-Thổ nhưỡng (Soil) là thành phần cốt lõi của đất đai. Sự hình thành, phát sinh, phát triển, diễn biến tính chất Đất-Thổ nhưỡng (Soil) phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên: địa hình, địa chất, khí hậu, thuỷ văn, sinh vật, cùng tác động của con người.

Mục tiêu quản lý đất đai là nắm chắc tài nguyên đất đai về số lượng và chất lượng, quản chặt tài nguyên đất đai theo quy hoạch và pháp luật. Để nắm chắc số lượng đất đai (vị trí, hình thể, diện tích, phân bố) cần thực hiện đo đạc bản đồ địa hình (tỷ lệ 1/10.000- 1/1.000.000), bản đồ địa chính (1/1000-1/10.000); Kiểm kê đất đai (5 năm), thống kê đất đai (hàng năm). Để nắm chắc chất lượng đất đai (loại đất, độ phì của đất) cần điều tra cơ bản lập bản đồ đất (bản đồ thổ nhưỡng – Soil Map); đánh giá tiềm năng đất đai cần phân hạng đất, đánh giá đất thích hợp (Land Suitable Classification), định giá đất (Land Value). Phân loại đất (Soil Classification), lập bản đồ  đất (Soil Map), là nhiệm vụ then chốt trong công tác điều tra cơ bản chất lượng đất đai.

Ngày nay với sự phát triển khoa học, công nghệ, nhiệm vụ điều tra đánh giá tài nguyên đất được thực hiện với công nghệ, kỹ thuật hiện đại như: viễn thám (Remote Sensing), không ảnh (Aerro photogrammetry), toàn đạc điện tử (Total Station); hệ thống thông tin địa lý (Geografical Information System–GIS), hệ thống thông tin đất đai (Land Information System), cùng các phần mềm xử lý, phân tích số liệu.

 

2. Khái quát về công tác điều tra cơ bản chất lượng đất đai ở Việt Nam

Công tác điều tra cơ bản lập bản đồ đất – bản đồ thổ nhưỡng đã được tiến hành ở Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua với sự nghiên cứu, áp dụng phương pháp phân loại đất theo các trường phái phân loại đất thế giới: Phân loại đất theo nguồn gốc phát sinh – Trường phái Dokuchaev-Nga; Phân loại đất định lượng của Bộ Nông nghiệp Mỹ – Soil Taxonomy và Phân loại đất theo FAO-UNESCO đều đã được ứng dụng ở các mức độ khác nhau, trong các giai đoạn phát triển của Thổ nhưỡng học Việt Nam.

– Thời kỳ trước 1975

Điều tra cơ bản lập bản đồ thổ nhưỡng (Soil Map), theo phân loại đất phát sinh đã đóng vai trò chủ đạo trong nghiên cứu, phát triển thổ nhưỡng học và điều tra lập bản đồ đất ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1958, từ thí điểm điều tra lập bản đồ  đất cấp tỉnh (1958-1960) đến điều tra lập bản đồ đất  tỷ  lệ 1/50.000 các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc bộ và khu Bốn cũ (1961-1964), điều tra lập bản đồ đất tỷ lệ 1/100.000 cho các tỉnh  miền  núi Bắc bộ và các tỉnh khu Bốn cũ (1964-1967). Kết quả các tỉnh miền Bắc đã hoàn thành điều tra lập bản đồ đất tỷ lệ trung bình 1/50.000-1/100.000 với  diện tích 15.885.100 ha.Trên cơ sở tài liệu này, Vụ Quản lý Ruộng đất Bộ Nông nghiệp đã tổng hợp xây dựng bản đồ đất tỷ lệ nhỏ 1/200.000 vùng Đồng bằng, trung du Bắc bộ và vùng Khu Bốn cũ (1965), bản đồ đất miền Bắc 1/500.000 (1970-1971).

Hàng loạt tài liệu đánh giá đất phục vụ cho công tác  quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ cải tạo đất, khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã được xây dựng trên cở sở tài liệu điều tra thổ nhưỡng như: Bản đồ các loại đất xấu cần cải tạo, Bản đồ độ chua, Bản đồ lân tổng số, Bản đồ đất có khả năng khai hoang, Bản đồ đất có khả năng cơ giới hóa, Bản đồ nông hóa (từ 1964), Bản đồ đất đơn giản (1967); Phân hạng đất (1970). Đến nay các địa phương khi tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất vẫn sử dụng bản đồ thổ nhưỡng xây dựng theo bảng phân loại đất do Ban biên tập Bản đồ Đất Việt Nam đề xuất (1976). Một số công trình nghiên cứu phân loại đất, lập bản đồ đất đã công bố trước 1975: VM Fridland, Sơ đồ thổ nhưỡng miền Bắc Việt Nam 1/1000.000 (1958); VM Fridland, Vũ Ngọc Tuyên, Tôn Thất Chiểu, Đỗ Ánh và ctg, Sơ đồ đất miền Bắc Việt Nam 1/1000.000 (1963); Vũ Ngọc Tuyên, Đỗ Đình Thuận, Các loại đất chính miền Bắc Việt Nam (1965).

Phân loại đất theo Soil Taxonomy được nghiên cứu ứng dụng với một số công trình đã công bố của: FR Morman, Bản đồ đất tổng quát miền Nam Việt Nam (1960); Trương Đình Phú, Tính chất hóa học và vật lý đất phù sa sông Mê Kông, Đồng Nai, đồng bằng Nam bộ Việt Nam (1967); Thái Công Tụng, Đất Cao nguyên và Miền Đông Nam Bộ (1972)…

– Thời kỳ 1976-2000:

Sau hoà bình thống nhất đất nước, nhiều công trình nghiên cứu, điều tra cơ bản lập bản đồ đất đã được được triển khai thực hiện; Bộ Nông nghiệp đã  thành lập Ban biên tập bản đồ đất Việt Nam để triển khai công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản lập bản đồ đất nước Việt Nam thống nhất; Một số công trình đã công bố: Cao Liêm, Đỗ Đình Thuận, Nguyễn Bá Nhuận, Bản đồ đất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 (1976); Cao Liêm, Đỗ Đình Thuận, Nguyễn Bá Nhuận, Thuyết minh bản đồ đất Việt Nam 1/1000.000 (1976); Đỗ Đình Thuận, Nguyễn Tấn Thương, Bản đồ đất thành phố Hồ Chí Minh 1/50.000 (1976); Phan Liêu, Đất Cát biển nhiệt đới ẩm (1987); Lê Thái Bạt, Một số đặc điểm đất Tây Bắc (1990); Vũ Cao Thái, Đất mặn và đất phèn (1990); Tôn Thất Chiểu và Đỗ Đình Thuận (chủ biên) Đất Việt Nam (1996), Trần Khải (chủ biên), Đất Việt Nam (2000); Cụm công trình bản đồ đất Việt Nam đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (2000).

 

Phân loại đất theo FAO-UNESCO đã được từng bước nghiên cứu, ứng dụng: Phan Liêu, Trần An Phong, Các nguyên tắc phân loại đất phèn mới áp dụng cho Đồng bằng sông Cửu Long (1990); Tôn Thất Chiểu, Trần An Phong, Nguyễn Công Pho, Nguyễn Văn Nhân, Phạm Quang Khánh, Đất Đồng bằng sông Cửu Long (1991); Tôn Thất Chiểu, Kết quả bước đầu về  ứng dụng phân loại đất theo FAO UNESCO (1992); Võ Tòng Xuân và Ctv Phân loại đất phèn Đồng bằng sông Cửu Long theo FAO UNESCO (1994); Vũ Cao Thái, Tôn Thất Chiểu, Phạm Quang Khánh, Tống Hoài Lân, Ứng dụng phân loại đất FAO UNESCO (lấy ví dụ ở tỉnh Đồng Nai) (1996).

Một số tỉnh đã tiến hành phúc tra xây dựng bản đồ đất cấp tỉnh (theo phân loại đất 1976) có đối chiếu với phân loại đất theo FAO-UNESCO: Tuyên Quang,1995; Phú Thọ, 1998, Bản đò đất tỉnh Yên Bái – 1998; Duyên hải miền Trung (Bản đồ đất tỉnh Bình Định – 1998), Đắc Lăk, 1998.

– Thời kỳ 2001 – 2020. Thi hành Luật Đất đai, một số đơn vị ở trung ương và địa phương đã tiến hành điều tra đánh giá chất lượng đất phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất.

Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp thực hiện Bản đồ thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên 1/250.000 (2000); Bản đồ thổ nhưỡng vùng Đồng bằng sông Hồng 1/25.000.

Tổng cục Quản lý Đất đai, Trung tâm Điều tra đánh giá tài nguyên đất “Điều tra, đánh giá thoái hóa đất vùng Miền núi và Trung du Bắc bộ phục vụ quản lý sử dụng đất bền vững” (2008); Điều tra, đánh giá thoái hóa đất vùng Duyên hải Nam Trung Bộ phục vụ quản lý sử dụng đất bền vững” (2009); “Điều tra, đánh giá thoái hóa đất vùng Bắc Trung Bộ phục vụ quản lý sử dụng đất bền vững” (2010); “Điều tra, đánh giá thoái hóa đất vùng Tây Nguyên phục vụ quản lý sử dụng đất bền vững” (2010); “Điều tra đánh giá thực trạng môi trường đất vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ phục vụ quản lý sử dụng đất bền vững” (2011), “Điều tra đánh giá  thực trạng môi trường đất vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phục vụ quản lý sử dụng đất bền vững”; “Báo cáo kết quả thực hiện thực hiện tổng điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai toàn quốc” (2019).

Nhiều địa phương đã triển khai điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; điều tra, phân hạng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai 2013: Lào Cai, Lai Châu, Tuyên Quang, Hưng Yên, Hà Nội, Đắc Lắc, Đắc Nông…

2. Co sở pháp lý hiện hành về điều tra cơ bản về chất lượng đất đai  

Luật Đất đai 2013 có những quy định mới về công tác điều tra đánh giá đất đai  tại Chương III Địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai, Mục 2 Điều tra cơ bản về đất đai, Điều 32, Điều 33.

Theo quy định tại Điều 32. Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai bao gồm:

– Điều tra, đánh giá đất đai bao gồm các hoạt động: a) Điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; b) Điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; c) Điều tra, phân hạng đất nông nghiệp; d) Thống kê, kiểm kê đất đai; đ) Điều tra, thống kê giá đất; theo dõi biến động giá đất; e) Xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc giám sát tài nguyên đất.

– Điều tra, đánh giá đất đai bao gồm các nội dung: a) Lấy mẫu, phân tích, thống kê số liệu quan trắc đất đai; b) Xây dựng bản đồ về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất, ô nhiễm đất, phân hạng đất nông nghiệp, giá đất; c) Xây dựng báo cáo đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất, ô nhiễm đất, phân hạng đất nông nghiệp, giá đất; d) Xây dựng báo cáo thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, báo cáo về giá đất và biến động giá đất.

Về lý luận và thực tiễn đã chứng minh Điều tra lập bản đồ  đất (Soil Map), là nhiệm vụ then chốt trong công tác điều tra cơ bản tài nguyên đất, là  cơ sở  để xây dựng bản đồ về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất, ô nhiễm đất, phân hạng đất nông nghiệp. Tuy nhiên Luật Đất đai chưa quy định cụ thể nhiệm vụ này trong Điều 32. Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai.

Theo quy định tại Điều 33. Tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai[1]

Nội dung Điều 33. Tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai “Tổ chức thực hiện và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, các vùng theo định kỳ 05 năm một lần và theo chuyên đề”.

Quy định này của Luật Đất đai còn có điểm bất cập là: Chưa xác định thời gian điều tra, đánh giá đất đai (theo kỳ) phù hợp thực tiễn theo lãnh thổ cấp quốc gia, vùng và địa phương ở nước ta hiện nay.

3. Đề xuất kiến nghị hoàn thiện quy định của Luật Đất đai về về điều tra cơ bản về chất lượng đất đai 

 

Thứ nhất Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai (Điều 32):

Bổ sung nhiệm vụ Điều tra lập bản đồ đất – Bản đồ thổ nhưỡng.

Quy định: Điều tra lập bản đồ đất là nhiệm vụ cơ bản trong hoạt động điều tra, đánh giá đất đai  là  cơ sở  để xây dựng bản đồ về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất, ô nhiễm đất, phân hạng đất nông nghiệp.

Thứ hai: Chỉnh lý quy định Tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai

(Điều 33) Quy định kỳ điều tra  đánh giá đất đai như sau

Một là: Kỳ Phúc tra, cập nhật, chỉnh lý Bản đồ thổ nhưỡng cả nước (1/1.000.000) và Bản đồ thổ nhưỡng các vùng tự nhiên kinh tế (tỷ lệ 1/250.000): Kỳ 30 năm.

[1] Điều 33. Tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai.

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây: a) Tổ chức thực hiện và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, các vùng theo định kỳ 05 năm một lần và theo chuyên đề; b) Chỉ đạo việc thực hiện điều tra, đánh giá đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; c) Tổng hợp, công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của cả nước.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của địa phương; gửi kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc điều tra, đánh giá đất đai và điều kiện về năng lực của đơn vị thực hiện điều tra, đánh giá đất đai.

Nhiệm vụ điều tra cơ bản, đánh giá chất lượng đất đai  ở cấp quốc gia, trong giai đoạn hiện nay trước mắt cần tập trung nghiên cứu hoàn thiện phương pháp luận, phân loại đất, quy trình, quy chuẩn quốc gia về lập bản đồ thổ nhưỡng làm cơ sở Phúc tra, cập nhật, chỉnh lý Bản đồ thổ nhưỡng cả nước (1/1.000.000) và Bản đồ thổ nhưỡng các vùng tự nhiên kinh tế (tỷ lệ 1/250.000).

Việc này cần làm sớm vì sau hơn 50 năm nước ta chưa triển khai nhiệm vụ này đồng bộ ở quy mô quốc gia, cơ sở dữ liệu về chất lượng đất và bản đồ đất thiếu đồng bộ và nhiều bất cập, tác động đến  nhiệm vụ điều tra đánh giá chất lượng đất các cấp.

– Kỳ phúc tra, cập nhật, chỉnh lý Bản đồ thổ nhưỡng cấp tỉnh (tỷ lệ 1/100.000; 1/50.000) và Bản đồ thổ nhưỡng cấp huyện (1/50.000, 1/25.000): 30 năm; việc này cần làm cùng kỳ với Phúc tra, cập nhật, chỉnh lý Bản đồ thổ nhưỡng cả nước, vùng.

– Kỳ điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất, điều tra, phân hạng đất nông nghiệp: 10 năm. Việc này được tiến hành đồng thời với công tác  lập quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, theo kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn 20 năm.

Thứ ba về tổ chức, cán bộ thực hiện điều tra, đánh giá về chất lượng đất

Một là: Nhiệm vụ điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất, điều tra, phân hạng đất nông nghiệp là hoạt động chuyên môn, có tính chuyên nghiệp cao vì vậy cần thiết phải sử dụng lực lượng được đào tạo chính quy về khoa học đất; nhiệm vụ này ở cấp quốc gia  giao cho các viện nghiên cứu khoa học, các trường và đơn vị sự nghiệp có liên quan của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học Đất Việt Nam thực hiện. Ở cấp tỉnh giao cho các đơn vị quản lý nhà nước, sự nghiệp Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Khoa học công nghệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tư vấn ở trung ương thực hiện.

Hai là: Tăng cường năng lực công tác nghiên cứu, đào tạo cán bộ chuyên ngành khoa học đất (thổ nhưỡng, nông hóa) ở cấp đại học, sau đại học cho các  viện trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn  là điều kiện cần thiết để đảm bảo đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng can bộ chuyên môn cho công tác điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất, điều tra, phân hạng đất nông nghiệp./.

Hà Nội ngày 5 tháng 11 năm 2021

 

024 3821 0374