Home / Tin tức / ĐẤT ĐAI VÀ QUY HOẠCH

ĐẤT ĐAI VÀ QUY HOẠCH

Tôn Gia Huyên, Phạm Minh Hạnh

HAI THUỘC TÍNH CỦA ĐẤT ĐAI VÀ HAI THỰC THỂ CỦA NHÀ NƯỚC

Từ Điều 52: Đất đai là tài sản công… và Điều 54: Đất đai là tài nguyên đặc biệt… của Hiến pháp 2013, có thể thấy rằng đất đai đồng thời có 2 thuộc tính tài nguyên thiên nhiên tài sản. Khi được xem là tài nguyên thiên nhiên thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân một cách tuyệt đối, nhưng một khi đã trở thành tài sản bằng cách đầu tư lao động vào đó (bao gồm cả lao động quá khứ và lao động sống của Nhà nước, cộng đồng, cá nhân) thì có điều kiện để trở thành tài sản của quốc gia, cộng đồng hoặc cá nhân.

Ảnh minh họa

Quá trình chuyển biến từ tài nguyên thiên nhiên thành tài sản và quá trình chuyển biến từ loại tài sản này sang loại tài sản khác (chuyển mục đích sử dụng đất) đồng thời cũng là quá trình làm phát sinh giá trị gia tăng của đất đai trong đó có “địa tô” và đó cũng chính là quá trình khai thác nguồn lực đất đai để phát triển đất nước cả về kinh tế và xã hội.

Trong quá trình phát triển (cũng là quá trình làm gia tăng giá trị), thuộc tính tài nguyên thiên nhiên của đất đai chỉ xảy ra trong “tích tắc” – có tính tạm thời – nhưng đó là thời điểm quan trọng để Nhà nước thực hiện chức trách của một thực thể chính trị để phân phối nguồn lực xã hội; và với tư cách là một thực thể kinh tế (đại diện chủ sở hữu tài nguyên thiên nhiên) Nhà nước phân phối và điều tiết phần “địa tô chênh lệch 1” theo những nguyên tắc Hiến định thông qua hành vi giao đất và thu tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất… để làm chủ thị trường bất động sản cấp 1.

Khi mang thuộc tính tài sản thì đất đai tồn tại đồng thời với cuộc sống kinh tế xã hội của đất nước với tư cách là tư liệu sản xuất đặc biệt không thể thay thế, là cơ sở hạ tầng không thể thiếu của các loại hình bất động sản, nhất là ở đô thị. Lúc này, thực thể kinh tế của Nhà nước trở nên nổi bật thông qua vai trò là người đại diện chủ sở hữu một phần bất động sản trong xã hội được cụ thể bằng những tổ chức, pháp nhân của mình, tuy là bình đẳng trong hoạt động thị trường khi so với các thực thể kinh tế khác, nhưng do có ưu thế là chủ nhân của thị trường cấp 1 (như là một “thủ kho”), nên Nhà nước luôn có tiềm năng mạnh để chi phối thị trường bất động sản cấp 2, qua đó mà tiếp tục điều tiết giá trị gia tăng đất đai được biểu hiện trong “địa tô chênh lệch 2”, đảm bảo công bằng trong thu nhập giữa người sở hữu tài sản và nhà đầu tư cho phát triển.

Trong thực tế, 2 thuộc tính tài nguyên, tài sản của đất đai và 2 thực thể chính trị, kinh tế của Nhà nước là không thể tách rời, tồn tại song song, tùy vào những tình hình cụ thể mà thuộc tính này hay thực thể khác trở thành những yếu tố “trội” trong hoạch định chính sách và xử lý tình huống.

Dưới đây là sơ đồ khái quát vai trò của Nhà nước trong quá trình đất đai chuyển động từ tài nguyên thành tài sản.

Tóm lại, trong quan hệ đất đai của nước ta, Nhà nước vừa là một chủ thể chính trị, tiến hành quản trị đất đai như hầu hết các Nhà nước khác trên thế giới – điều hành chế độ sở hữu, quản lý hành chính để thực hiện mọi chế độ đất đai, điều chỉnh mọi lợi ích từ đất theo nguyên tắc công bằng, dân chủ, văn minh đúng với quy định của Hiến pháp và Pháp luật. Đồng thời Nhà nước còn là một thực thể kinh tế với tư cách là đại diện của chủ sở hữu tài nguyên và tài sản, bình đẳng với các thực thể kinh tế khác trong hoạt động thị trường, trực tiếp làm tăng giá trị đất đai, không ngừng làm giàu cho xã hội, làm giàu cho ngân sách bằng các biện pháp kinh tế.

Quy hoạch sử dụng đất là giải pháp cơ bản để thống nhất quản lý đất đai và phát huy cơ chế dân chủ.

Ảnh minh họa

Nói chung, quy hoạch sử dụng đất đai là bản “tổng phổ” của “dàn hợp xướng phát triển”. Qua đó, các thành phần tham gia thấy rõ vị trí và chức năng của mình mà tự giác phát huy thế mạnh sẵn có để “bài ca” được “diễn tấu” một cách nhịp nhàng, đồng bộ và hoàn hảo nhất. Vấn đề không còn chỉ là ở lĩnh vực quan hệ đất đai mà liên quan đến toàn bộ sự vận hành của nền kinh tế và sinh hoạt xã hội; và cũng qua đó mà vai trò làm chủ của nhân dân, cơ chế dân chủ được hiện thực hóa. Thiếu nó, sự vận hành của toàn bộ hệ thống sẽ trở nên chuệch choạc.

Điều đáng tiếc là không hiểu vì sao mà Hiến pháp 2013 đã bỏ đi chủ trương Nhà nước quản lý đất đai theo quy hoạch của các bản Hiến pháp 1980, 1992 đã duy trì suốt 33 năm qua và các Luật Đất đai tương ứng (1987, 1993, 2003) đã cụ thể hóa?!

Tuy vậy, điều này cũng không gây cản trở để Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định rằng: “Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian nhất đinh”. Từ đó, quy hoạch sử dụng đất có những chức năng không thể thay thế:

– Xác định triển vọng, mục tiêu và phương châm phát triển của đất nước cả trước mắt và lâu dài;

– Xác định khung không gian đất đai quốc gia và từng địa phương;

– Cân đối giữa việc tổ chức sử dụng đất với nhu cầu của các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội – môi trường.

Ảnh minh họa

Về kinh tế, quy hoạch sử dụng đất là quá trình tố đa hóa giá trị của bất động sản; theo đó, việc sử dụng đất được quyết định trên cơ sở các động lực của thị trường, nên cũng có thể nói rằng quy hoạch sử dụng đất phải trở thành một sản phẩm của cơ chế thị trường – nghĩa là mỗi thửa đất đều phải được sử dụng theo cách đảm bảo tổng số các thửa đất trong vùng quy hoạch có giá trị tối đa theo các tiêu chuẩn thị trường. Nói cách khác, mỗi thửa đất phải được sử dụng sao cho có giá trị lớn nhất mà không gây ra sự giảm giá đồng loạt cho những thửa đất còn lại trong vùng. Như vậy, thực hiện tốt quy hoạch sẽ dẫn đến quản lý đất đai hiệu quả. Quy hoạch là cơ sở quan trọng để quản lý nhà nước về đất đai, được “luật hóa”, gắn liền với nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Đến nay, tuy công tác quy hoạch sử dụng đất đai đã được triển khai hơn 20 năm trên phạm vi cả nước ở cả 4 cấp quản lý hành chính nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa đảm bảo sự thống nhất giữa các ngành, còn mang tính hình thức, quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch gặp rất nhiều khó khăn nhất là trong việc thu hồi đất, bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư… Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là chưa xây dựng được một cơ chế dân chủ thực sự trong quy hoạch sử dụng đất đai từ ngay khi hình thành ý tưởng phát triển cho đến quá trình thiết kế kỹ thuật, thẩm định xét duyệt và tổ chức thực hiện. Khi người dân được tự do “suy nghĩ” trên thửa đất (bất động sản) của mình, thấy rõ họ có lợi ích trong quá trình phát triển thì việc thu hồi đất để thực hiện là nhu cầu thực sự của họ mà không cần đến giải pháp cuối cùng là cưỡng chế. Từ đó có thể thấy rằng: đảm bảo sự đồng thuận xã hội đối với quy hoạch sử dụng đất đai có ý nghĩa quyết định trong quá trình phát triển. Tuy nhiên đây là một quá trình tốn kém cả về công sức và tiền của trên cơ sở sự chuyển biến về nhận thức về quá trình dân chủ hóa trong quản lý đất đai.

Ảnh minh họa

Để những quy định của Hiến pháp được thể hiện trên thực tế, tập quán lập pháp của Việt Nam là phải có tiếp một hệ thống văn bản pháp quy từ Nghị định, Quyết định, Thông tư, Chỉ thị của các cấp hành chính tương ứng!… đây là một quá trình kéo dài, gặp nhiều khó khăn, dễ gây xung đột và rất nhiều trường hợp, tình huống là không đạt yêu cầu như mong muốn! Để khắc phục tình trạng này, điều quan trọng là phải trên cơ sở thống nhất nhận thức đối với tinh thần của Hiến pháp để tổ chức lại hệ thống các cơ quan lập pháp và hành pháp cả về cơ cấu và con người. Tốt nhất là hình thành một bộ luật về đất đai.

Đất đai là vấn đề rất phức tạp, nhất là trong quan hệ thị trường, tác động trực tiếp đến hoạt động của nhiều ngành kinh tế và nhiều lĩnh vực sinh hoạt xã hội theo định hướng XHCN. Muốn xử lý tốt, không những cần phải có một cơ cấu tổ chức rất chuyên nghiệp mà còn phải có một cơ chế dân chủ hóa thực sự để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội của từng thửa đất và bảo vệ lợi ích hợp pháp của cộng đồng và của từng người sử dụng đất./.

024 3821 0374