Home / Tin tức / KHOA HỌC ĐẤT

KHOA HỌC ĐẤT

 

KHOA HỌC ĐẤT

TS Nguyễn Đình Bồng

 

Khoa học đất (Soil Science) là môn khoa học nghiên cứu đất mà đối tượng nghiên cứu là tài nguyên thiên nhiên trên bề mặt Trái Đất, gồm nghiên cứu phát sinh đất, phân loại đất và xây dựng bản đồ đất, cùng các thuộc tính vật lý, hóa học, sinh học, và độ phì nhiêu của đất trong mối quan hệ với việc sử dụng và quản lý đất đai và nhiều lĩnh vực khác như: nông học, hóa học, địa chất, địa lý, sinh học, vi sinh học, lâm học, khảo cổ học …

Tuy nhiên Khoa học đất cũng là một lĩnh vực chuyên môn hẹp không có nhiều người biết đến. Tôi viết bài này không phải để chia sẻ về kiến thức (nhiều đồng nghiệp của tôi đã làm việc này trên giảng đường và các Tạp chí khoa học), mà là để bầy tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn các bậc tiền bối đã cống hiến cho sự phát triển Khoa học đất.

LƯỢC SỬ KHOA HỌC ĐẤT THẾ GIỚI

1. THỜI KỲ SƠ KHAI

Thuyết bảng cân bằng dinh dưỡng và khái niệm địa chất: Justus von Liebig (1803 – 1873) – nhà hóa học người Đức, và các nhà khoa học châu Âu đã đưa ra thuyết “bảng cân bằng” dinh dưỡng cho thực vật. theo đó, đất được coi là một thùng chứa tĩnh (nhiều hay ít) của các chất dinh dưỡng cho cây cối; đất có thể sử dụng và thay thế. NS Shaler (1841 – 1906)- nhà địa chất, trong chuyên khảo năm 1891 về nguồn gốc và bản chất tự nhiên của đất đã tổng quát hóa các khái niệm địa chất về đất: đất như là các loại đá (granit, sa thạch, sét tảng v.v.) đã bị phân hủy và mô tả các quá trình địa chất đã hình thành ra các các loại đất như băng tích, bồi tích, hoàng thổ và thềm đại dương.. Thuyết bảng cân bằng dinh dưỡng đã thống trị trong các phòng thí nghiệm và khái niệm địa chất thống trị các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy đến cuối những năm 1920.

2. TRƯỜNG PHÁI PHÁT SINH HỌC NGA

V.V.Dokuchaev (1846 – 1903): cho rằng đất như là một thực thể tự nhiên có nguồn gốc và lịch sử phát triển riêng, là thực thể với những quá trình phức tạp và đa dạng diễn ra trong nó. Đất được coi là khác biệt với đá. Đá trở thành đất dưới ảnh hưởng của một loạt các yếu tố tạo thành đất như khí hậu, cây cỏ, khu vực, địa hình và tuổi. (Krasil’nikov, N.A.1958). Từ năm 1870, dưới sự lãnh đạo của V.V.Dokuchaev và N.M. Sibirtsev (1860 – 1900) “Trường phái Phát sinh học Nga” đã hình thành và phát triển, tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực khoa học đất và được thế giới biết đến qua công trình của K.D.Glinka bằng tiếng Đức (1914) và bản dịch tiếng Anh của C.F.Marbut năm 1927.

3. TRƯỜNG PHÁI MỸ

Dưới sự lãnh đạo của CF Marbut, học thuyết Phát sinh học Nga đã được mở rộng ra và làm thích ứng với các điều kiện tại Mỹ. Marbut nhấn mạnh rằng sự phân loại đất phải dựa trên hình thái học thay vì dựa trên các học thuyết về nguồn gốc đất, phân loại đất năm 1935 của ông phụ thuộc nhiều vào khái niệm “đất bình thường”, sản phẩm của sự cân bằng trong khu vực ở đó sự xói mòn theo thời gian giữ được tốc độ tiến triển của sự hình thành đất. Năm 1941, với công trình “Factors of Soil Formation” (Các yếu tố hình thành đất) của Hans Jenny (1899 – 1992), một hệ thống của thổ nhưỡng học định lượng, đã tổng quát hóa các nguyên lý cơ bản của khoa học đất hiện đại. Sau 15 năm nghiên cứu, năm 1965 Guy Smith cùng đồng sự đã cho ra một hệ thống phân loại đất mới. Nó trở thành hệ thống phân loại chính thức của National Cooperative Soil Survey của Mỹ và đã được xuất bản năm 1975 như là Hệ thống phân loại đất: Hệ thống của Smith đã được nhiều quốc gia khác chấp nhận làm hệ thống phân loại đất chính thức. (Soil Survey Staff (1993), Soil Survey Manual USDA Handbook 18)

4. PHÂN LOẠI ĐẤT THEO FAO-UNESCO

Trong thập kỷ 60 của Thế kỷ XX, Fao-Unesco đã tài trợ cho dự án nghiên cứu phân loại bản đồ đất thế giới, Bản phân loại này theo quan điểm định lượng, chú ý chẩn đoán, xác định đất theo từng Nhóm lớn, từng đơn vị đất với sự phân bổ lãnh thổ của chúng, đồng thời thừa kế, sử dụng kiến thức, thuật ngữ phát triển của các nước , khởi đầu mang tính hòa hợp, đã xây dựng Bản đồ đất thế gới tỷ lệ 1/5000.000 chia thành 10 tập cho các lục địa. (Fao-Unessco, Soil map of World, Review Legen, Rome 1988,1990)

 

024 3821 0374