Home / Tin tức / TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ CHUYỂN GIAO CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CHO HUYỆN HÒN ĐẤT

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ CHUYỂN GIAO CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CHO HUYỆN HÒN ĐẤT

Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị chuyển giao kết quả công trình nghiên cứu đề tài “Đánh giá tài nguyên đất đai phục vụ phát triển bền vững nông – lâm nghiệp và kinh tế xã hội huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang”. 

 

Hội nghị chuyển giao kết quả công trình nghiên cứu đề tài “Đánh giá tài nguyên đất đai phục vụ phát triển bền vững nông – lâm nghiệp và kinh tế xã hội huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang”

Đề tài nghiên cứu được sử dụng phương pháp điều tra nông hộ, khảo sát phân tích đất và thành lập bản đồ đất, có kết hợp giải đoán ảnh viễn thám. Phương pháp đánh giá đất theo Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và phân tích điểm mạnh/yếu SWOT (mô hình nổi tiếng trong phân tích kinh doanh của doanh nghiệp). Qua nghiên cứu cho thấy, huyện Hòn Đất có diện tích đất nông nghiệp chiếm 90%, trong đó, đất lúa chiếm diện tích lớn và phân bố trên toàn huyện. Tôm – lúa phân bố ở vùng nước lợ giữa vùng trồng lúa và vùng nuôi tôm. Tôm thâm canh và tôm quảng canh phân bố ở gần bờ biển. Thời tiết và phèn là hai yếu tố có mức ảnh hưởng cao nhất cho sử dụng đất nông nghiệp. Về đặc điểm thổ nhưỡng, mặc dù đất có hàm lượng phèn tiềm tàng, hoạt động cao và PH chua, tuy nhiên đất lại có độ phì vật lý và chất dinh dưỡng khá cao và thoái hoái đất chỉ xảy ra với mô hình canh tác thâm canh 3 vụ. Theo đó, 5 phương án sử dụng đất được đề xuất gồm: Dựa vào tiềm năng tự nhiên; Khai thác tiềm năng tự nhiên kết hợp cải tiến kỹ thuật; Kết hợp tự nhiên với tối ưu hiệu quả đồng vốn; Kết hợp tự nhiên với tối ưu lợi nhuận; Thích ứng với xâm nhập mặn. Phương án Dựa vào tiềm năng tự nhiên và Kết hợp tự nhiên với tối ưu hiệu quả đồng vốn được đánh giá phù hợp trong điều kiện hiện tại; phương án Khai thác tiềm năng tự nhiên kết hợp cải tiến kỹ thuật được đề xuất với điều kiện có được sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật; phương án Thích ứng với xâm nhập mặn được đánh giá phù hợp trước những thay đổi bất thường của tự nhiên được dự báo.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Minh-Trưởng Bộ môn Tài nguyên Đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Văn Minh, Bí thư Huyện uỷ Hòn Đất đã đánh giá cao đề tài nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Minh-Trưởng Bộ môn Tài nguyên Đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ. Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên tại huyện Hòn Đất cung cấp nhiều thông tin có giá trị khoa học rất lớn trong việc khai thác tài nguyên đất, thông qua đề tài giúp cho huyện Hòn Đất có thể đánh giá được thực trạng các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và tiềm năng đất đai; xác định và chọn lọc các mô hình và phương án sử dụng đất phù hợp với từng vùng. Đồng thời, điều tra khảo sát biến động về hiện trạng sản xuất nông nghiệp và chất lượng đất đai trên địa bàn huyện; cập nhật, chính lý bản đồ đất, xác định các trở ngại cho sản xuất nông nghiệp; phân vùng sinh thái nông nghiệp và đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên đất, phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp.

Thực hiện: Vũ Trâm

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU VỀ TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẤT CỦA HỘI KHOA HỌC ĐẤT VIỆT NAM

Tạp chí Khoa học Đất có giấy phép xuất bản số 342/GP-BTTTT ngày 28/6/2016 của Bộ Thông tin Truyền thông, ISSN 2525-2216.
Tên tiếng Anh: VIETNAM SOIL SCIENCE

 

024 3821 0374