Hướng đến chào mừng Kỷ niệm 55 năm (1967 – 2022) ngày thành lập Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, Khoa Tài nguyên đất và Môi trường Nông nghiệp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI VÀ BẤT ĐỘNG SẢN TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ: TIỀM NĂNG – THÁCH THỨC – GIẢI PHÁP”.
Hội thảo là sự kế thừa và phát huy thành tích nghiên cứu khoa học – là đòn bẩy nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa Tài nguyên đất và Môi trường Nông nghiệp, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Ban tổ chức tin tưởng Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên từ các trường Đại học, viện nghiên cứu, công ty, doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi và công bố kết quả nghiên cứu. Hội thảo là dịp tăng cường hợp tác giữa các trường Đại học, Viện nghiên cứu, cơ quan chuyên môn về ngành Quản lý đất đai và ngành Bất động sản trong thời kỳ hội nhập của cách mạng công nghiệp 4.0 và đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số.
Đến tham dự Hội thảo khoa học, về phía Hội Khoa Đất và các nhà khoa học trong nước có sự tham dự của TS Phạm Quang Khánh, Phó chủ tịch hội Khoa học đất Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Thãi – Chi hội trưởng chi Hội khoa học đất Phân hiệu QH miền Nam; Cùng các nhà Khoa học từ Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học lâm nghiệp Việt Nam, Đại học Cần Thơ, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Đại học Duy Tân, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quy Nhơn.
Về phía lãnh đạo các Sở Tài nguyên & Môi trường có sự tham dự của Ông Nguyễn Trường Khoa – Giám đốc Sở TNMT Tỉnh Quảng Trị; Ông Trần Quốc Hùng – Phó Giám đốc Sở TNMT Thành phố Đà Nẵng
Về phía lãnh đạo Đại học Huế có sự tham dự của PGS.TS. Huỳnh Văn Chương – Tỉnh ủy viên Tỉnh Thừa Thiên Huế, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng Đại học Huế; Cùng đại diện lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ trường Đại học Khoa học, Khoa Quốc Tế, Viện đào tào mở CNTT, Đại học Huế
Về phía lãnh đạo trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế có sự tham dự của PGS.TS. Trần Thanh Đức – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường, Đồng Trưởng ban tổ chức Hội thảo; GS. TS. Lê Đình Phùng – Phó hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn – Phó hiệu trưởng nhà trường; Cùng Đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng, Ban của Trường Đại học Nông Lâm Huế.
Về phía Khoa TNĐ&MTNN có sự tham dự của PGS. TS. Nguyễn Hữu Ngữ – Trưởng Khoa, Đồng Trưởng ban Tổ chức; Cùng các thầy cô trong BCN Khoa, trưởng các Đoàn, thể, và các thầy cô giáo CBVC của Khoa, nguyên CBGV của Khoa
Ngoài ra hội thảo còn vui mừng chào đón toàn thể các học viên cao học Khóa 26A, B, C; các sinh viên Khóa 53, 54, 55 đang học tập tại Khoa TNĐ&MTNN cũng có mặt tại buổi khai mạc Hội thảo.
Tại buổi khai mạc, PGS.TS. Trần Thanh Đức – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, Đồng trưởng ban Tổ chức đã thay mặt BTC phát biểu Khai mạc Hội thảo. Đồng thời, hội thảo cũng vinh dự được lắng nghe phát biểu chúc mừng của PGS.TS. Phạm Quang Khánh, Phó chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam. Hội thảo cũng đã tặng hoa tri ân cho các nhà tài trợ hội thảo và trao học bổng cho các em sinh viên vượt khó trong học tập của Khoa TNĐ&MTNN tại phiên khai mạc Hội thảo.
PGS.TS. Trần Thanh Đức – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, Đồng Trưởng ban tổ chức phát biểu Khai mạc Hội thảo Khoa học
Sau phiên khai mạc, hội thảo đã diễn ra phiên toàn thể với 3 báo cáo tham luận với các chủ đề:
– “Xây dựng SDI và CSDL phục vụ chuyển đổi số ngành TN&MT ở tỉnh Thừa Thiên Huế” do PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Phó trưởng Khoa Địa lý – Địa chất, trường Đại học Khoa Học Huế trình bày
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, trường Đại học Khoa Học Huế trình bày báo cáo “Xây dựng SDI và CSDL phục vụ chuyển đổi số ngành TN&MT ở tỉnh Thừa Thiên Huế”
– “Tiềm năng – Thách thức – Giải pháp của lĩnh vực Bất động sản trong bối cảnh 4.0” do ông Lê Minh Đức, tổng Giám đốc Công ty CP BĐS Sland trình bày
– “Công tác quản lý đất đai dưới sự giúp đỡ của công nghệ số ở huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị” do Ths. Trần Trường Sinh, Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện hướng hóa trình bày.
Sau phiên toàn thể là các báo cáo khoa học tài 3 tiêu bản với các chủ đề:
– Tiểu ban 1: Chính sách đất đai
– Tiểu ban 2: Hệ thống thông tin, Viễn thám, Trắc địa – bản đồ và tiềm năng đất đai
– Tiểu ban 3: Bất động sản
Tặng hoa tri ân các nhà tài trợ cho Hội thảo Khoa học
Hiện nay, việc thúc đẩy chuyển đổi số vào thị trường bất động sản Việt Nam là xu hướng tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Công nghệ số đã chứng minh sự ưu việt trong quảng bá sản phẩm, kết nối thông tin, tăng tương tác giữa chủ đầu tư và khách hàng của các doanh nghiệp bất động sản để hướng tới phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ đã tạo ra sự thay đổi nhanh chóng mô hình trong quản lý đất đai và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam khi thời gian gần đây có số lượng lớn khách hàng ưa chuộng các đô thị thông minh. Điều đó mở ra cơ hội phát triển lớn cho ngành quản lý đất đai và các doanh nghiệp bất động sản công nghệ nhưng song song đó vẫn là những thách thức, rào cản; cần các doanh nghiệp phải từng bước xây dựng niềm tin và tạo ra tính minh bạch với các quy trình chuyển đổi số trong từng giao dịch bất động sản. Các phát triển công nghệ mới có khả năng thu thập và xử lý dữ liệu sẽ mang lại cơ hội cho hoạt động quản lý bất động sản theo hướng định lượng. Các dịch vụ dữ liệu được tạo ra trong bất động sản, đặc biệt là bất động sản thương mại và các hoạt động liên quan đến quản lý đất đai sẽ được kiểm soát bởi Cơ quan Đăng ký Đất đai, và tạo ra tính minh bạch hơn. Việc số hóa thông tin mang lại lợi ích trong kiểm soát thông tin đất đai, nhằm đảm báo tính minh bạch của thông tin. Một trong những giải pháp có thể kể đến là việc thành lập Dữ liệu Quốc gia về giá đất – nơi mà toàn bộ thông tin về đất đai được lưu trữ trên nền tảng số.
Về cơ hội, xu hướng chuyển đổi số đã giúp cơ quan quản lý nhà nước về đất đai thực hiện các thủ tục hành chính thuận tiện và nhanh chóng, các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận khách hàng với chi phí rẻ hơn, dễ dàng thực hiện các chiến dịch marketing hấp dẫn, hiệu quả và nhanh chóng hơn. Cụ thể, việc chuyển đổi số sẽ giúp làm giảm chi phí giao dịch và quản lý; tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, hợp tác, kết nối; tăng cơ hội kinh doanh mới; tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và trong nước. Những công cụ kỹ thuật số được thay thế cho phương pháp làm việc truyền thống trước đây; giúp cho việc quản lý dự án, thông tin khách hàng hay tài liệu chung được thực hiện chủ động hơn trên phần mềm chung; tạo nên tính đồng bộ, minh bạch trong toàn bộ hệ thống, giúp thuận tiện trong việc trao đổi thông tin và chăm sóc khách hàng. Nâng cao năng lực quản lý và vận hành các dự án – vốn là quy trình then chốt trong ngành quản lý đất đai và bất động sản. Việc chuyển đổi số đã mở ra cho cá nhân người sử dụng đất và doanh nghiệp bất động sản cơ hội tiếp cận khách hàng nhanh chóng, hiệu quả với chi phí rẻ hơn, đồng thời, sẽ trở thành xu hướng tất yếu để phát triển thị trường bất động sản ổn định, minh bạch.
TS. Phạm Quang Khánh – Phó chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam phát biểu chúc mừng tại Hội thảo Khoa học
Về thách thức, các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp bất động sản cho rằng họ đang khó khăn, hạn chế trong việc xử lý dữ liệu đặc thù của ngành bất động sản như dữ liệu về dự án, đất đai, khách hàng, thị trường, chi tiêu. Chưa thấu hiểu nhu cầu của khách hàng khi khách hàng bất động sản có nhu cầu khá riêng biệt bởi nó thường đến vào các thời điểm đặc thù, các doanh nghiệp phải nắm bắt được nhanh chóng và đưa ra những tư vấn đúng lúc. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp dù muốn nhưng chưa số hóa thành công bởi liên quan các quy trình giao dịch như sản phẩm bất động sản có giá trị lớn đòi hỏi tính xác thực và niềm tin đủ lớn từ những thành phần tham gia như người mua, người bán, chủ đầu tư cũng như nghiệp vụ môi giới nên khách hàng vẫn cần thêm thời gian để thích nghi với thị trường giao dịch trực tuyến. Các sản phẩm bất động sản bị điều tiết bởi rất nhiều các quy định pháp luật hiện hành, trong đó có các quy trình không thể giải quyết hoàn toàn bằng công nghệ như (ký hợp đồng, công chứng, thế chấp…) vì vậy với việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số một cách đại trà không xem xét tính đặc thù của ngành sẽ làm cho trải nghiệm “số” của khách hàng dễ bị đứt đoạn và đôi khi bất tiện khi sử dụng dịch vụ. Thêm nữa, tiềm lực về nhân sự và tài chính hạn chế dẫn đến chỉ chuyển đổi số một phần nhỏ hoặc chỉ chuyển đổi một số quy trình trọng điểm dẫn đến chất lượng và số lượng dịch vụ chưa thật sự rõ nét.
Giải pháp thực hiện trong quá trình chuyển đổi số đối với quản lý đất đai và bất động sản. Từ những thách thức trên, các cơ quan nhà nước về đất đai và doanh nghiệp bất động sản cần định hướng xây dựng hệ sinh thái công nghệ bất động sản riêng với các sản phẩm bất động sản chuyên biệt cho thị trường bởi đây được đánh giá là “nước cờ chiến lược” giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh, tối ưu nguồn lực và chi phí; để người mua bán kết nối với nhau dễ dàng; giảm bớt tranh chấp, giảm bớt quy trình thủ tục, giải quyết được cả những vấn đề liên quan đến tín dụng. Trong đó, yếu tố tiên quyết của quá trình chuyển đổi số là dữ liệu, tất cả các doanh nghiệp tham gia quá trình xây dựng chiến lược chuyển đổi số đều phải hiểu rằng, chiến lược về dữ liệu đóng vai trò cốt lõi trong xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Đồng thời, cần đẩy mạnh công bố thông tin dữ liệu về quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương một cách công khai và dễ nhận biết để ngăn chặn tình trạng sốt đất hay lợi dụng thông tin quy hoạch thổi giá đất. Vì vậy, song song với việc đón đầu các xu thế bất động sản công nghệ, các doanh nghiệp cần tạo lập mối liên kết chặt chẽ với những hệ sinh thái xung quanh sẵn có hoặc thay đổi mô hình kinh doanh để thích nghi và phát triển; xây dựng đội ngũ nhân sự vững mạnh, chuyên nghiệp. Để “bài toán” này được giải quyết nhanh hơn và triệt để hơn thì cần có cả sự hỗ trợ của các cơ lập pháp và hành pháp. Vai trò định hướng của Nhà nước sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nói chung và số hóa các giao dịch bất động sản nói riêng.
Các nhà khoa học thảo luận tại phiên Toàn thể của Hội Thảo
Đây là dịp để các nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi các kết quả nghiên cứu, thảo luận và đề xuất những giải pháp Quản lý đất đai và Bất động sản trong bối cảnh chuyển đổi số. Từ đó, đóng góp cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển ngành Quản lý đất đai và ngành Bất động sản trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Hội thảo cũng là dịp gắn nghiên cứu khoa học với việc nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường hợp tác giữa các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, các Sở Tài nguyên và Môi trường, các Công ty Đo đạc bản đồ, Quy hoạch và Bất động sản. Hội thảo có 3 tiểu ban chuyên môn gồm: Chính sách và tiềm năng đất đai; Hệ thống thông tin, Viễn thám và Trắc địa – bản đồ; Bất Động sản. Hội thảo có sự tham gia của 150 nhà khoa học, giảng viên và học viên cao học, 03 báo cáo tại phiên toàn thể và 15 báo cáo được trình bày tại các tiểu ban của Hội thảo. Ban tổ chức đã nhận được 50 bài báo khoa học của các nhà nghiên cứu trên toàn quốc về các lĩnh vực: Chuyển đổi số trong lĩnh vực Quản lý đất đai và Bất động sản; Quy hoạch đô thị, Quy hoạch nông thôn, Quy hoạch sử dụng đất; GIS và Viễn thám, công nghệ UAV; Trắc địa – Bản đồ; Công nghệ thông tin trong Quản lý tài nguyên đất đai; Tiềm năng đất đai trong phát triển nông nghiệp; Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; Thị trường BĐS trong bối cảnh dịch Covid 19; Chính sách phát triển và quản lý Bất động sản đăng trên ấn phẩm khoa học của Hội thảo. Các bài báo trước khi xuất bản được phản biện chặt chẽ theo đúng quy định của Tạp chí Khoa học đất về hàm lượng khoa học. Hy vọng rằng tuyển tập Hội thảo này là tài liệu tham khảo, trao đổi thông tin bổ ích cho cán bộ quản lý, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
PV