Tôn Gia Huyên
Qua một thời gian dài thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất đai (QHSDĐĐ), nay nhìn lại, vẫn thấy còn tồn tại những vấn đề sau đây:
– Nhận thức chưa đồng đều, độ đồng thuận chưa cao, còn có ý kiến cho rằng không có khái niệm về QHSDĐĐ mà chỉ có khái niệm về quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn v.v do đó sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị còn bị hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa thực chất, còn chạy theo các thủ tục hành chính đơn thuần
– QHSDĐĐ chưa thực sự được coi là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhiều nơi tự phát chuyển mục đích sử dụng đất, nôn nóng trong phát triển công nghiệp nhưng thiếu vốn nên đất đai bị bỏ hoang trở thành “dự án treo”, người bị thu hồi đất mất việc làm dẫn đến lãng phí nguồn lao động và tài nguyên đất đai Nói chung là đang thiếu một quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn dựa trên lợi thế so sánh và tư duy liên vùng, cùng với một đội ngũ làm công tác QHSDĐĐ được chuẩn hóa và cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ, khắc phục được cơ chế “xin-cho”.
– Tình hình đang phát triển rất nhanh chóng, khó dự đoán được chính xác đã tạo ra một “khoảng mù” nhận thức không nhỏ – Việc chuyển đổi số lượng lớn đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp mà thiếu cân nhắc đến hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội-môi trường lâu dài đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của một bộ phận nông dân và đe dọa mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, làm suy yếu tác dụng điều tiết cần có của QHSDĐĐ.
– Mặc dù việc “dồn điền đổi thửa” đã thực hiện thành công ở nhiều địa phương, nhưng chưa kết hợp chặt chẽ với quy hoạch chỉnh trang đồng ruộng, nên đất sản xuất vẫn còn manh mún với trên 70 triệu thửa, gây trở ngại cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
– Diện tích rừng tuy có tăng nhưng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục bị tàn phá, suy giảm cả về chất lượng và số lượng, đa số người dân ở miền núi chưa thể sống ổn định với nghề rừng, do đó, công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng còn rất nhiều khó khăn.
– Đất giao thông còn thiếu so với nhu cầu của phát triển, mật độ đường bộ đạt mức trung bình trong khu vực, nhưng mật độ quốc lộ còn ở mức rất thấp (0,053 km/km2). Việc bố trí các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư bám sát các trục đường chính đã ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây lãng phí trong đầu tư và hạn chế khả năng nâng cấp, mở rộng
– Diện tích cho phát triển đô thị tăng nhanh, cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý: đất ở chiếm tỷ lệ cao và chủ yếu là nhà ở theo hộ gia đình độc lập, đất giao thông đô thị còn thiếu (dưới 13%) nhất là đất giao thông tĩnh (dưới 1%), hệ số sử dụng đất thấp, chủ yếu là đường một tầng.
– Diện tích đất công nghiệp tuy tăng nhanh (7.000 ha/năm), nhưng còn dàn trải, thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng; chưa xem xét đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng kinh tế-xã hội. Nhiều khu, cụm công nghiệp không phù hợp với điều kiện và khả năng thực tiễn dẫn đến tình trạng triển khai chậm tiến độ, tỷ lệ lấp đầy thấp hoặc “quy hoạch treo”.
– Các loại đất công trình hạ tầng xã hội như văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao tuy luôn được bố trí tăng cường về diện tích đất, nhưng so với nhu cầu vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ.
– Phần lớn đất bãi thải và xử lý chất thải là lộ thiên hoặc đổ tự nhiên tại các bãi rác tạm, khu vực nông thôn chưa có quy hoạch đất cho thu gom rác thải; chưa có bãi chôn lấp và xử lý chất thải nguy hại một cách triệt để và lâu dài.
Ảnh minh họa
Một số quan điểm về QHSDĐĐ
– QHSDĐĐ là “quy hoạch của quy hoạch“, là bản “tổng phổ” của phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó phản ánh cụ thể các ý tưởng về tương lai của các ngành, các cấp một cách cân đối và nhịp nhàng; thông qua những trình tự hành chính và pháp lý nhất định để trở thành quy chế xã hội, mọi người đều có quyền và nghĩa vụ thực hiện. Quá trình tổ chức, thành lập, thực hiện điều chỉnh QHSDĐĐ là quá trình huy động mọi nguồn lực xã hội và phát triển sản xuất và sự nghiệp công cộng theo phương thức dân chủ, nên đó cũng là quá trình xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân. Do đó, QHSDĐĐ vừa là phương thức để phát triển, vừa là công cụ để xây dựng và củng cố Nhà nước. Chỉ có đặt công tác QHSDĐĐ vào vị trí then chốt mới phát huy được vai trò “đầu tàu” của QHSDĐĐ.
– Bảo vệ nghiêm ngặt đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên và đất di tích, danh lam thắng cảnh để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
– Ưu tiên bố trí đủ quỹ đất cho lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng xã hội; văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao để nâng cao chất lượng sống của nhân dân phù hợp với tiêu chí của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại có trình độ phát triển trung bình.
– Chú ý cân đối quỹ đất để đáp ứng nhu cầu xây dựng các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, khu kinh tế và kết cấu hạ tầng theo hướng văn minh hiện đại, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, công nghiệp hóa đất nước. Không bố trí các khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu công nghiệp bám sát các trục đường quốc lộ, cao tốc. Quy hoạch sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, công nghiệp, dịch vụ, giao thông theo hướng tăng cường khai thác không gian bên trên và bên dưới mặt đất, nâng cao hệ số sử dụng đất cả trong nông nghiệp và xây dựng.
– Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho miền núi, biên giới, hải đảo, vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam tạo điều kiện thu hút nguồn lực để khai thác hiệu quả quỹ đất, giảm áp lực cho việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa tại các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng ven biển.
Cơ hội và thách thức:
Đến năm 2030 dân số cả nước được dự báo sẽ là 110-115 triệu người, trong đó 55% số dân sống ở khu vực đô thị, khi đó nước ta đã hòan thành mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa, công nghiệp hóa, trở thành một nước công nghiệp với một nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, đứng vào hàng các nước phát triển và trở thành nền kinh tế cầu nối trong khu vực. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng an ninh được tăng cường, đi vào thế ổn định. Một xã hội vững chắc bằng phát triển nguồn lực nội sinh, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; liên kết hòa nhập sâu về kinh tế và công nghệ; giao lưu rộng về văn hóa thông tin với thế giới. Tuy nhiên, cũng ta cũng đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn:
– Dân số đang vào thời kỳ “vàng” và tiếp tục gia tăng kéo theo nhu cầu lớn về đất làm nhà ở, đất sản xuất trong khi quỹ đất đai rất bị hạn chế. Thời kỳ này – nhóm dân số trong độ tuổi lao động cao gấp đôi nhóm dân số phụ thuộc – sẽ kéo dài trong khoảng 15-40 năm tùy thuộc vào năng lực kiềm chế mức sinh. Phải tạo được một quỹ đất thích ứng với thách thức về lao động, việc làm cho 1,5-1,6 triệu lao động tăng lên hàng năm.
– Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, công nghiệp hóa sẽ làm nảy sinh mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa bảo vệ diện tích đất nông nghiệp mà đặc biệt là đất trồng lúa với việc phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng.
– Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tạo ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, hoang mạc hóa và thoái hóa đất, thu hẹp diện tích đất mặt nhất là đất nông nghiệp, đất trồng lúa.
Ảnh minh họa
Nếu tận dụng được thời cơ và vượt qua được thử thách thì có thể hy vọng đến năm 2030 sẽ có khoảng 98% diện tích đất tự nhiên được khai thác đưa vào sử dụng với những định hướng lớn sau đây:
Đất trồng lúa hiện có 4,1 triệu ha, sẽ phải chuyển mục đích sử dụng 450-500 ngàn ha. Đến năm 2030 muốn giữ mức bình quân 350 kg lương thực/người/năm cho 110-115 triệu dân thì ít nhất phải có 3,8 triệu ha đất trồng lúa với hệ số sử dụng đất là 1,95 và năng suất phải đạt 62 tạ/ha. Do đó phải khai thác thêm 250-300 nghìn ha đất trồng lúa.
Đất lâm nghiệp đến năm 2030 phải trồng mới thêm 2-2,5 triệu ha rừng để đạt độ che phủ 51% (17 triệu ha rừng).
Đất công nghiệp hiện nay là 1,258 triệu ha, đến năm 2020 mức độ đô thị hóa là 45% là 1,7 triệu ha và năm 2030 sẽ có 2 triệu ha với mức đô thị hóa là 55%.
Đất xây dựng cơ sở hạ tầng năm 2020 sẽ là 1,4 triệu ha (tăng 0,3 triệu ha so với năm 2008); đến năm 2030 sẽ là 1,8-2 triệu ha.
Kiến nghị và thảo luận:
Trong khoảng 10-20 năm sắp tới, nhiệm vụ “phân bổ lại nguồn lực đất đai quốc gia” đang đứng trước những thách thức to lớn, muốn vượt qua thử thách này để đạt được những mục tiêu như mong muốn, ngòai việc phải xử lý hàng loạt những vấn đề về pháp lý, kỹ thuật để có một phương án khả thi, thì việc tranh thủ sự đồng thuận xã hội và tổ chức thực hiện tốt có vai trò quyết định cho việc hiện thực hóa những ý đồ của quy hoạch. ở thời kinh tế phát triển nhanh chóng, công tác QHSDĐĐ đang đứng trước những cơ hội hiếm có và thách thức ngặt nghèo; trong thời kỳ này QHSDĐĐ phải đi trước và phải được quản lý chặt chẽ.
Đất trồng lúa đang chịu sức ép lớn của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, trên thực tế diện tích đất lúa hiện còn có thể thấp hơn con số thống kê (?!). Trước tình hình đó có ý kiến cho rằng không nhất thiết phải bảo vệ đất trồng lúa bằng mọi giá, vừa gây thiệt thòi cho người trồng lúa vừa không phát huy hết tiềm năng kinh tế của đất nông nghiệp, vấn đề an ninh lương thực có thể giải quyết bằng cách tăng gia sản xuất các loại thực phẩm khác và thậm chí có thể tính đến khả năng nhập khẩu gạo nếu thấy có hiệu quả tốt hơn (?!) Những ý kiến này mới chỉ nhìn nhận vấn đề đơn thuần về kinh tế (mà nếu tính đầy đủ cũng chưa chắc sẽ có hiệu quả hơn hẳn!), nhưng chưa xét đến khía cạnh văn hóa-xã hội của nghề trồng lúa – nông dân Việt Nam có kỹ năng trồng lúa vào loại hàng đầu của thế giới, khả năng cạnh tranh rất cao! Hơn nữa, văn hóa lúa nước đã tạo nên một xã hội nông nghiệp Việt Nam đặc trưng trở thành cơ sở tinh thần quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp. Quá trình bảo vệ đất trồng lúa cũng là quá trình đấu tranh để hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, giữa lợi ích cục bộ với lợi ích tòan cục, giữa lợi ích kinh tế với lợi ích về văn hóa, xã hội và hệ thống pháp luật, kỹ thuật phải hết sức chú ý để xử lý tốt mối quan hệ này. Phải xác định cho được càng cụ thể càng tốt diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, ở đó từng mét vuông đất cần phải được tính toán để sử dụng với hiệu quả cao nhất, có sự đầu tư xứng đáng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo cho người trồng lúa có thu nhập xứng đáng và có cuộc sống sung túc cả về vật chất và tinh thần. Nếu điều hành tốt, giá trị gia tăng đất sản xuất lúa sẽ không kém các cây trồng khác nhất là trong bối cảnh hội nhập – thị trường lúa gạo rộng mở và Việt Nam có nhiều ưu thế cạnh tranh.
Ảnh minh họa
Đất lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sử dụng đất Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong bảo vệ môi trường, sinh thái, tuy số lượng nhiều nhưng chất lượng đang sa sút chưa có điểm dừng, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông mở rộng đến đâu thì rừng bị đe dọa đến đó, tác dụng trồng rừng và bảo vệ rừng của các lâm trường chưa cao, các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hoạt động chưa có hiệu quả là những nhược điểm cố hữu chưa được khắc phục triệt để. Việc giao rừng cho từng cộng đồng, từng hộ để quản lý, tu bổ, khai thác là mô hình tốt nhưng chậm được nhân rộng quy hoạch sử dụng đất rừng gắn liền với nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật kinh tế-xã hội của khu dân cư, bảo đảm người sử dụng đất lâm nghiệp sống tốt với nghề rừng.
Đất khu công nghiệp phát triển tràn lan, tỷ lệ lấp đầy thấp là nhược điểm dễ thấy trong việc sử dụng loại đất này; mặt khác, việc khai thác sử dụng đất khu công nghiệp gắn liền với nhiệm vụ xử lý nước thải và bảo vệ môi trường phải trở thành điều kiện tiên quyết. Ngòai ra, để giảm áp lực đối với đất nông nghiệp, đất trồng lúa cần có chủ trương đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng để khai thác vùng đồi núi ít có khả năng nông nghiệp, việc quyết định xây dựng khu công nghiệp mới phải cân nhắc kỹ đến quy hoạch phát triển công nghiệp trong vùng với những trình tự và thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ.
Ảnh minh họa
Quy hoạch sử dụng đất gắn liền với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó đảm bảo sự cân đối giữa đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đất nông nghiệp, là sự cân đối giữa đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp; trong đất sản xuất nông nghiệp là sự cân đối giữa đất trồng cây hàng năm, đất trồng lúa mầu với đất trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả phù hợp với nhu cầu lương thực, rau quả và công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Trong đất phi nông nghiệp, là sự cân đối giữa đất làm nhà ở, đất xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, đất khu công nghiệp, đất đô thị và đất khu dân cư nông thôn Để đạt được sự cân đối này thì định hướng phát triển kinh tế-xã hội phải được xác định rõ ràng, cụ thể; các chỉ tiêu kinh tế phải phù hợp với từng thời kỳ và đạt được sự đồng thuận của tòan xã hội. Công tác QHSDĐĐ phải lợi dụng được chính sức sống của kinh tế thị trường để khắc phục những hạn chế của cơ chế thị trường-bắt đầu từ sự thay đổi cách làm quy hoạch.
Tổ chức thực hiện QHSDĐĐ là khâu quyết định để hiện thực hóa ý đồ phát triển. Chuyên nghiệp hóa, tiêu chuẩn hóa công tác xét duyệt quy hoạch đảm bảo nâng cao tính thống nhất và chất lượng quy hoạch; tính toán hiệu quả kinh tế-xã hội của quy hoạch làm tăng tính khả thi của các mục tiêu; kiểm tra giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện quy hoạch vừa tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật vừa góp phần quản lý quy hoạch tòan diện và đồng bộ.
Phân bổ lại quỹ đất đai quốc gia thời kỳ 2010-2020-2030 là một nhiệm vụ nặng nề, quyết định tốc độ của phát triển và chất lượng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế quốc dân với mục tiêu trở thành nước công nghiệp, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch sử dụng đất đồng hành với quá trình dân chủ hóa trong quản lý và sử dụng tài nguyên, tài sản đất đai quốc gia, không những cần có cơ sở khoa học kỹ thuật vững vàng mà còn cần phải có một thể chế chặt chẽ, hợp lý và hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài, cục bộ và tổng thể và đó cũng là dấu hiệu của một quá trình phát triển văn minh./.