Home / Tin tức / BÀN VỀ KHOA HỌC KINH TẾ ĐẤT

BÀN VỀ KHOA HỌC KINH TẾ ĐẤT

Tôn Gia Huyên

 

“Đất đai là một danh từ ghép thuần Việt, chữ “đai” chỉ là một từ láy. Trong Từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Khoa học xã hội (1988) giải thích: “Khoảng mặt đất tương đối rộng (nói khái quát)”; còn trong Từ điển Bách khoa Việt Nam (1995) thì không có mục từ này (?!) Tùy vào lĩnh vực nghiên cứu để xác lập một khái niệm cụ thể hơn về “đất đai”. Trong lĩnh vực kinh tế học thì thiên về xem đất đai là một tài nguyên thiên nhiên cần thiết và gần gũi nhất của con người bao gồm chủ yếu là phần lục địa của địa cầu kể cả mặt nước. Trong một số tình huống còn được xem là vật mang của các dạng tài nguyên thiên nhiên khác (biển, khoáng sản, vật liệu xây dựng, sinh vật…) và cả bất động sản.

  1. ĐẶC TÍNH CỦA ĐẤT ĐAI
  2. Về tự nhiên
  3. Cố định về vị trí không gian, không thể di chuyển (không kể đến những biến động trong lịch sử địa chất), điều này làm cho con người phải tùy nơi mà sử dụng.
  4. Giới hạn về diện tích (việc “lấn biển” của con người chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể), con người chỉ có thể thâm canh, thâm dụng…
  5. Sự chênh lệch về chất lượng do sự khác biệt về địa chất, địa mạo, thổ nhưỡng, thủy văn và các điều kiện khí hậu (ánh sáng, nhiệt độ, lượng mưa…) của từng vùng… buộc con người phải biết sử dụng hợp lý tài nguyên, lựa chọn được 1 cơ cấu hợp lý để có được hiệu quả tổng hợp tối ưu.
  6. Vĩnh cửu về công năng – là một yếu tố sản xuất, đất đai sẽ không bao giờ bị hao mòn hoặc mất đi khi con người biết xử lý một cách thỏa đáng, hơn thế, còn có thể cải thiện ngày càng tốt hơn.
  7. Về kinh tế
  8. Khan hiếm nguồn cung bắt nguồn từ 2 đặc tính tự nhiên (a&b). Nhân khẩu tăng, kinh tế phát triển, nhu cầu đất đai không ngừng tăng lên, sự mất cân đối giữa quan hệ cung cầu ngày càng gay gắt. Giá đất tăng theo, nạn đầu cơ phát triển làm rối loạn thị trường đất đai và bất động sản, tác động tiêu cực đến cả quá trình phát triển kinh tế – xã hội, trở thành một nguy cơ thường trực.
  9. Khó khăn trong việc thay đổi mục đích sử dụng trong quá trình phát triển vì thường gặp phải nhiều tổn thất cả về kinh tế – văn hóa – xã hội; bắt buộc con người phải tính toán thật đầy đủ hiệu quả tổng hợp, toàn diện khi lập quy hoạch sử dụng đất cả trước mắt và lâu dài, cả tổng thể và chi tiết.
  10. Quy luật “Thù lao đất đai giảm dần” cho rằng: Trong điều kiện kỹ thuật sử dụng đất không thay đổi, trên một diện tích đất nhất định, khi mức đầu tư vượt quá một giới hạn nhất định thì sẽ có hậu quả là mức thu lợi sẽ giảm dần. Điều này nhắc nhở rằng khi đầu tư vào đất đai phải tính đến trình độ kỹ thuật và điều kiện kinh tế, khi tăng cường độ đầu tư hoặc thay đổi kết cấu đầu tư vào đất đai, phải đồng thời với việc cải tiến kỹ thuật sử dụng đất tương ứng mới đạt được yêu cầu vừa thâm dụng đất, vừa có hiệu quả kinh tế cao nhất, tránh được bẫy tỷ suất lợi nhuận giảm dần…
  11. Tính xã hội của hậu quả sử dụng đất. Đất đai là nhân tố cơ bản của hệ thống sinh thái tự nhiên không thể tách rời, hậu quả sử dụng của thửa đất hoặc một khu vực không chỉ ảnh hưởng đến bản thân nó mà còn ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh, thậm chí có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cả quốc gia và hiệu quả của nền kinh tế… Do đó, mọi quốc gia, mọi cấp đều phải rất chú trọng đến việc quản lý, giám sát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tổng thể trước khi tiến hành hiện thực hóa các phương án quy hoạch sử dụng đất chi tiết.

ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

  1. Việc phân phối và sử dụng tài nguyên đất đai cho các hoạt động của nền kinh tế quốc dân, bao gồm: điều tra tài nguyên đất, đánh giá kinh tế kỹ thuật đối với quy hoạch và kế hoạch sử dụng tài nguyên, sử dụng đất tiết kiệm, tập trung đất đai, quy mô sử dụng đất, sử dụng đất bền vững… đó là những vấn đề quan hệ kinh tế giữa người với đất đai.
  2. Chế độ các quyền về đất đai, cụ thể bao gồm: Chế độ sở hữu, chế độ sử dụng đất, xây dựng chế độ quản lý nhà nước đối với đất đai và quá trình tổ chức thực hiện… Đó là những vấn đề quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình sử dụng đất giữa người với người.
  3. Vấn đề phân phối lợi ích tài sản đất đai trên thị trường với tư cách đất đai là nguồn vốn, cụ thể bao gồm: xây dựng thị trường đất đai và quan hệ cung cầu, mức địa tô phải chi ra giữa người sử dụng và người sở hữu, sự hình thành giá cả khi mua bán hàng hóa đất đai, dùng tài sản đất đai làm vật bảo đảm trong quan hệ thế chấp, việc Nhà nước can thiệp vào việc phân phối lợi ích từ đất bằng thuế đất… Đối tượng nghiên cứu này cũng là vấn đề quan hệ kinh tế giữa người với người trong quá trình sử dụng đất nhưng trọng tâm thiên về phân phối lợi ích phát sinh trong quá trình trao đổi.

Ba đối tượng trên đây là có mối liên hệ hữu cơ với nhau. Sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, đáp ứng nhu cầu cơ bản để tồn tại và phát triển của xã hội loài người… là mục đích then chốt của việc nghiên cứu về kinh tế đất.

Riêng đối với Việt Nam, Hiến pháp đã xác định: Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (Điều 53); Người sử dụng đất được quyền chuyển quyền sử dụng đất…; Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ; Việc thu hồi đất được bồi thường theo quy định của pháp luật; Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết… (Điều 54). Từ đó, ngoài những đối tượng nghiên cứu chung nêu trên, còn có một số vấn đề kinh tế đất đặt trưng của Việt Nam cần nghiên cứu tiếp cả về lý luận và thực tiễn làm cơ sở cho việc thiện thực hóa những quy định của Hiến pháp vào cuộc sống thường nhật mà trước mắt là phục vụ cho việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 đang được chuẩn bị khẩn trương. Đó là:

– Sự khác biệt giữa cơ chế thị trường quyền sử dụng đất/ bất động sản nói chung và cơ chế thị trường quyền sử dụng đất / bất động sản định hướng xã hội chủ nghĩa?

– Nhận thức về mối quan hệ giữa 2 thực thể chính trị (quản lý đất đai) và kinh tế (đại diện chủ sở hữu về đất đai) với 2 thuộc tính (tài nguyên – tài sản) của đất đai và cơ chế vận hành?

– Các nguyên tắc cơ bản trong việc phân phối lợi ích từ đất và lộ trình hiện thực hóa?

– Hệ thống thuế và phí trong quản lý và hưởng dụng đất đai.

– Cơ chế dân chủ (dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng) trong quá trình lập, xét duyệt, tổ chức thực hiện, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp.

– …

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Tư duy trừu tượng. Trên cơ sở đi sâu điều tra thực tế những quan hệ kinh tế trong sử dụng đất thu thập được một khối lượng đủ lớn để tiến hành “gia công”, nâng nhận thức cảm tính thành nhận thức tự giác, loại bỏ các yếu tố gây nhiễu để xác lập bản chất và quy luật vận động của sự vật hoặc giải pháp.

Phân tích hệ thống. Đất đai là một nhân tố cơ bản của hệ thống sinh thái toàn cầu, hệ thống đất đai cũng là một hệ thống “con” hệ thống kinh tế… cho nên không thể nghiên cứu một cách cô lập mà phải đặt vấn đề kinh tế đất trong bối cảnh đó để tiến hành nghiên cứu nội tại của hệ thống này, tìm ra được quy luật và cơ thế vận hành, tiến đến việc xác lập được lộ trình giải quyết những vấn đề về kinh tế đất một cách chính xác.

Kết hợp phân tích động thái với các yếu tố ở trạng thái tĩnh. Vận động của mọi sự vật là tuyệt đối và vô điều kiện, còn sự tĩnh tại của nó là tương đối và có điều kiện. Muốn có được một nhận thức toàn diện thì phải kết hợp cả 2 trạng thái “động” và “tĩnh”. Như khi nghiên cứu để đánh giá về hình thức và định mức “địa tô” của một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một hoạt động kinh tế có liên quan đến đất đai liệu đã hợp lý chưa (?) Liệu đã đảm bảo công bằng giữa người sở hữu và người sử dụng chưa (?), có tác động như thế nào đến việc sử dụng đất hợp lý (?)… thì ngoài việc tiến hành phân tích các yếu tố và điều kiện ảnh hưởng đến hình thức và định mức của “địa tô” trong trạng thái tĩnh (hiện trạng), đồng thời còn phải phân tích sự biến động của những yếu tố đó từ quá khứ đến tương lai mới có thể phán đoán và lựa chọn được một đáp án hoặc giải pháp chính xác.

Kết hợp giữa phân tích định tính và phân tích định lượng. Mọi vấn đề kinh tế đất đều có 2 mặt chất và lượng. Nghiên cứu và giải quyết bất kỳ một vấn đề gì có liên quan đều phải đồng thời chú ý đến cả 2 mặt này. Như khi nghiên cứu về cơ cấu và bố cục sử dụng đất của quốc gia hay một vùng lãnh thổ thì trước hết đều phải trên cơ sở nắm chắc tính chất và đặc điểm cơ bản về bố cục và đặc điểm sử dụng đất ở đó, phát hiện những vấn đề tồn tại, phán đoán về xu hướng phát triển, dự báo về hướng phát triển… để tiến hành phân tích cụ thể và dự tính những biểu hiện về lượng và quy luật biến động của nó. Kết quả của sự kết hợp giữa mặt chất và lượng này là 1 phương án cụ thể về bố cục và cơ cấu sử dụng đất phù hợp với nhu cầu phát triển của quốc gia, vùng lãnh thổ.

Kết hợp giữa phân tích vi mô với phân tích vĩ mô. Vấn đề kinh tế đất của các đơn vị cơ sở là thuộc lĩnh vực vi mô, còn vấn đề kinh tế đất của quốc gia hoặc một khu vực rộng lớn là thuộc lĩnh vực vĩ mô. Vĩ mô lấy vi mô làm cơ sở, vi mô cuối cùng phải chịu sự khống chế của vĩ mô. Khi nghiên cứu những vấn đề về kinh tế đất phải nhìn từ 2 góc độ vĩ mô và vi mô kết hợp với nhau, Như đối với những dự án khai phá đất đai, tất nhiên trước hết phải phân tích vi mô để nghiên cứu doanh nghiệp nào là chủ thể của việc khai phá – đơn vị trực tiếp mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời còn phải phân tích về mặt vĩ mô – hạng mục đó liệu có đem lại lợi ích gì về môi trường và xã hội hay không, thông qua phân tích lợi hại mới quyết định được dự án đó có nên triển khai hay không./.

024 3821 0374