Home / Tin tức / KHOA HỌC ĐẤT TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

KHOA HỌC ĐẤT TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

KHOA HỌC ĐẤT TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

Vũ Năng Dũng1

Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam

Đất là tài sản quí báu thiên nhiên ban tặng cho mỗi quốc gia và là nền tảng để phát triển đất nước, ngành kinh tế nào cũng cần tới đất. Đất đai đối với nông nghiệp là đặc biệt quan trọng, kiến thức về khoa học đất của loài người cũng được hình thành rất sớm so với các ngành khoa học khác. Nó hình thành từ khi con người biết tác động vào đất đai để mang lại những sản phẩm nuôi sống mình.

Đất đai trên thế giới đã dùng cho nông nghiệp và có khả năng sản xuất nông nghiệp là 15.000 triệu ha chiếm 29% diện tích các lục địa. Trong khi dân số không ngừng gia tăng thì diện tích đất nói chung và đất dùng cho sản xuất nông nghiệp nói riêng là rất có hạn.

Việt Nam là nước “đất chật, người đông” bình quân diện tích tự nhiên trên đầu người chỉ là 0,34 ha/người (năm 2020), Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới, bình quân đầu người là 0,68 ha/người; Ấn Độ là 0,24 ha/người.

Đối với đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta bình quân chỉ là 1.220 m2/người vào hàng các nước thấp nhất trên thế giới, mặt khác nước ta do các điều kiện tự nhiên về địa hình, độ dốc nên việc mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp rất hạn chế, gần như tới “giới hạn”. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đất nước ngày càng yêu cầu nhiều hơn diện tích đất đai, mà chủ yếu lấy đi từ đất nông nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các ngành kinh tế khác.

Khoa học đất hiện nay phát triển theo hai xu hướng: Xu hướng thứ nhất là tăng năng suất tối đa, thực hiện thâm canh cao trong nông nghiệp nhờ bón lượng phân khoáng lớn vào đất, tiếp tục khai thác ngày càng cạn kiệt độ phì nhiêu của đất. Môi trường đất bị suy thoái cả về hóa tính và lý tính, điển hình làm cho độ pH đất ngày càng giảm, chất hữu cơ trong đất ngày càng thấp.

Xu hướng thứ hai là canh tác hữu cơ theo hướng hữu cơ là do nhu cầu của thị trường đang cần những sản phẩm nông nghiệp an toàn đối với sức khỏe của cộng đồng, đời sống của con người ngày càng cao, thị trường vẫn rất cần những sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, an toàn và xu hướng này ngày càng phát triển.

Dù theo xu hướng nào thì vai trò của khoa học đất vô cùng quan trọng là một trong những yếu tố quyết định của sản xuất nông nghiệp.

1. KHOA HỌC ĐẤT VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

Ở giai đoạn phát triển nông nghiệp truyền thống sơ khai dựa chủ yếu vào khai thác độ phì tự nhiên của đất trong trồng trọt và chăn nuôi, không bón phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Sau canh tác nhiều năm, độ phì tầng canh tác ngày càng giảm, năng suất cây trồng cũng giảm theo, trong khi dân số gia tăng, nhu cầu sản phẩm nông nghiệp tăng lên, dẫn đến con người tiến đến hệ thống nông nghiệp truyền thống cải tiến có bón phân hữu cơ hoặc thâm canh cây trồng bỏ hóa đất 1 – 2 năm hoặc lâu hơn nữa. Đây là tiến bộ mới trong sử dụng đất sản xuất nông nghiệp ở thời kỳ đó.

Để gia tăng sản lượng từ nông nghiệp trong khi độ phì của đất ngày càng giảm, loài người bước vào thời kỳ cơ giới hóa – điện khí hóa nông nghiệp đáp ứng cho nhu cầu nông sản của các thành phố lớn và những nơi tập trung đông dân trên khắp thế giới, giai đoạn này bắt đầu từ cuối thể kỷ 18 đến những năm 50 của thế kỷ trước.

Giai đoạn hóa học hóa ngành nông nghiệp có thể được bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước cho đến nay. Ngành nông nghiệp đã phát triển vượt bậc, cùng với các giống mới, phân bón mới ra đời năng suất và sản lượng cây trồng tăng rất nhanh, nhiều nước trước đây thiếu lương thực thì nay đã xuất khẩu lương thực như Việt Nam, Ấn Độ và một số nước khác nữa.

Các tiến bộ khoa học kỹ thuật về cây trồng và công nghệ phân bón phát triển nhanh chóng cả số lượng nhà máy, chủng loại phân bón, chất lượng phân bón nhiều và tốt hơn như phân tổng hợp, phân đạm, phân vi sinh… lượng phân khoáng bón vào đất ngày càng tăng, năng suất cây trồng cũng tăng.

2. ĐẤT NÔNG NGHIỆP HIỆN NAY VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI ĐỘ PHÌ CỦA ĐẤT

Việt Nam có 33,1 triệu ha đất tự nhiên, trong đó có 31 triệu ha đang sử dụng chủ yếu trong nông, lâm nghiệp và các ngành kinh tế khác. Theo thống kê năm 2021, đất nông nghiệp sử dụng là 28,0 triệu ha; đất phi nông nghiệp gần 3,9 triệu ha; đất chưa sử dụng còn 1,22 triệu ha. Trong đất nông nghiệp thì đất sản xuất nông nghiệp là 11,7 triệu ha chiếm 34,5% diện tích tự nhiên. Do đất chật, người đông cho nên nước ta đã khai thác đất sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao so với các nước khác.

Đất sản xuất nông nghiệp được sử dụng cho ba loại sử dụng đất chính là đất trồng lúa: 3,94 triệu/ha; đất trồng cây hàng năm 2,85 triệu ha; đất trồng cây lâu năm: 4,93 triệu ha (Năm 2021); Cả ba loại sử dụng đất trên đều đứng trước nguy cơ thoái hóa đất cả về lý, hóa tính đất. Biểu hiện lý tính đất mất dần cấu trúc trở nên chặt bí, hóa tính đất tăng độ chua và hàm lượng hữu cơ trong đất xu hướng giảm, hệ vi sinh vật đất giảm những vi khuẩn có lợi và tăng vi sinh vật có hại cho hệ rễ cây trong đất.

Ai cũng biết các nguyên nhân thoái hóa đất trên chủ yếu là do trong một thời gian dài thâm canh quá mức, bón nhiều phân vô cơ, ít hoặc không bón phân hữu cơ. Một số vùng trồng lúa, trồng cà phê… có tình trạng phú dưỡng lân, đạm bị rửa trôi gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Chúng ta cần tiếng nói của ngành khoa học đất mạnh mẽ hơn để có chiến lược phục hồi độ phì nhiêu của đất sản xuất nông nghiệp.

3. MỤC TIÊU CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRONG TƯƠNG LAI

Hiện nay Nhà nước đang lập và phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh, trong 10 năm (2021 – 2030) và tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu lớn nhất của ngành nông nghiệp là đáp ứng ngày càng cao về chất lượng và an toàn các sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo vững chắc an ninh thực phẩm, có các sản phẩm mũi nhọn xuất khẩu như cây công nghiệp, thủy sản, sản phẩm từ gỗ, góp phần đảm bảo nguồn nước cho quốc gia. Ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò trọng yếu đảm bảo ổn định xã hội để phát triển các ngành kinh tế khác.

Nhất là trong trường hợp ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng lớn, tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, khó lường thì ngành nông nghiệp càng khẳng định vai trò trọng yếu của mình.

Để phục vụ cho những mục tiêu trên, mọi vấn đề phát triển của ngành nông nghiệp phải được xem xét từ đất, một nguyên tắc cơ bản là con người lấy đi từ đất bao nhiêu dinh dưỡng, cũng phải trả lại cho đất bấy nhiêu và tiếp tục bồi bổ thêm độ phì nhiêu cho đất. “Sức khỏe” của đất tốt, sản phẩm nông nghiệp mới an toàn, con người mới khỏe mạnh.

4. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHÁT TRIỂN NGÀNH KHOA HỌC ĐẤT

– Những nghiên cứu cơ bản về đất, như đất và dinh dưỡng cây trồng, đất – cây trồng và phân bón rất thiếu các công trình nghiên cứu dài hạn có hệ thống. Hàng năm vẫn có một số đề tài nghiên cứu về đất để đáp ứng một phần nhỏ của sản xuất, tổ chức nghiên cứu rời rạc, kém hiệu quả. Phần lớn các đề tài là các nghiên cứu ngắn hạn về đất – cây trồng và các loại phân bón vô cơ, rất ít các đề tài nghiên cứu về lý tính và vi sinh vật trong đất.

– Việc bố trí vùng các cây trồng, đặc biệt là các cây trồng chủ lực nhiều nơi là tự phát như trồng cao su trên đất rừng khộp, tầng mỏng, trồng cà phê trên đất quá dốc tầng mỏng, tưới nước nhờ vào tự nhiên… không dựa vào đánh giá khả năng thích hợp của đất, dẫn đến cây trồng khó phát triển hoặc phải loại bỏ diện tích đã trồng. Ở đây khoa học đất đã không được tham gia đầy đủ.

– Quan trắc môi trường đất, những năm gần đây Bộ Tài nguyên Môi trường đã tổ chức hệ thống quan trắc môi trường đất, song không chuyên sâu, các điểm quan trắc ít, thiếu kinh phí cho nên chưa đủ số liệu phục vụ cho công tác quản lý, không thể phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

– Việc khuyến cáo bón phân cho cây trồng chưa thực sự dựa vào dinh dưỡng trong đất và nhu cầu của từng loại cây trồng. Công thức phối trộn phân bón, lượng bón hàng năm, từng vụ chủ yếu do các công ty sản xuất phân bón đề xuất hoặc do nông dân tự lựa chọn. Hiệu quả sử dụng phân bón thấp, gây lãng phí phân bón. Ở nhiều vùng thâm canh cây trồng dư thừa N, P tác động xấu đến môi trường đất và nước.

5. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

1. Đề nghị bố trí chương trình đề tài cấp quốc gia, dài hạn để bổ sung chất hữu cơ, tăng độ pH cho đất, từng bước khôi phục độ phì cho đất, đặc biệt là ở các vùng thâm canh cây trồng cao như các vùng đồng bằng trồng lúa, vùng trồng cà phê, cây ăn quả.

2. Do ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật trong trồng trọt, bón nhiều phân khoáng vô cơ, độ phì nhiêu thực tế của đất luôn thay đổi, vấn đề này rất quan trọng cần được nghiên cứu, cập nhật thường xuyên để xây dựng chế độ phân bón hợp lý cho cây trồng đối với từng loại đất chính. Giảm chi phí, tăng hiệu quả phân bón phải là chương trình lớn của sản xuất nông nghiệp.

3. Nghiên cứu về môi trường đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng nông sản tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu sản phẩm nông nghiệp ngày càng cao. Một bộ phận dân cư ở các thành phố lớn có nhu cầu các nông sản hữu cơ, khoa học đất nhanh chóng tìm ra giải pháp về bố trí đất trồng phù hợp, giảm được giá thành, mở rộng thị trường loại sản phẩm này.

Đối với một số cây lâu năm như chè, cây ăn quả nghiên cứu qui trình canh tác truyền thống giữ rừng chỏm đồi, trồng băng rừng chắn gió, tủ gốc cho cây trong mùa khô cũng góp phần giảm lượng nước tưới, tăng chất lượng nông sản, phục hồi độ phì của đất.

4. Kết hợp nghiên cứu độ phì nhiêu thực tế của đất và sản xuất các loại phân bón chuyên dụng, phân bón mới thích hợp với các loại đất chính ở vùng thâm canh cao như cây ăn quả, cây công nghiệp xuất khẩu…

Nghiên cứu các vật liệu mới bón vào đất để giữ ẩm trong mùa khô, quy trình hoàn thổ mặt đất sau khai thác mỏ.

5. Khoa học đất phục vụ lựa chọn vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các tỉnh. Đây là xu hướng tất yếu của các trang trại, gia trại trong quá trình tích tụ đất đai của nông nghiệp. Bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp thấp như ở nước ta cần sớm lựa chọn, định hướng để phát triển các loại hình nông nghiệp trên ở các vùng nhằm nâng cao thu nhập trên 1 ha đất canh tác.

6. Về khoa học quản lý xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về đất đai liên thông đến hộ nông dân, truy xuất nguồn gốc vùng trồng, quản lý dinh dưỡng cây trồng, đây là nền tảng ứng dụng nông nghiệp 4.0 và phát triển công nghệ thông tin trong nông nghiệp.

7. Thống nhất hệ thống phân loại của Việt Nam tương quan với hệ thống phân loại của FAO – WRB (tên gọi) để có thể trao đổi thuận lợi hơn thông tin về bản đồ đất của Việt Nam và trên thế giới.

8. Đào tạo nguồn nhân lực cho khoa học đất, do sự phát triển nhanh của các khoa học khác như phân bón, dinh dưỡng cây trồng. Muốn đáp ứng được nhu cầu của sản xuất khoa học đất không thể phát triển tương đối độc lập như trước đây. Các ngành khoa học nông nghiệp phát triển xâm nhập lẫn nhau tạo nên động lực mới để phát triển như công nghệ giống mới – phân bón; khoa học đất và công nghệ phân bón… Hiện nay ngành khoa học đất thuần túy ít sinh viên, hoặc không có sinh viên theo học vì ra trường không có việc làm trong khi ngành quản lý đất đai đang phát triển tốt. Vấn đề này cần sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước đầu vào và đầu ra là việc làm để tương xứng với vai trò của đất đai của ngành khoa học đất trong nông nghiệp. “Sức khỏe” của đất có tốt thì nông sản thực phẩm mới an toàn, con người mới khỏe mạnh, đó là tư duy biện chứng về đất nguồn tài nguyên vô cùng quý giá nhưng có hạn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Niên giám thống kê năm 2021, Nhà xuất bản Thống kê.

2.      Đất Việt Nam, Nhà xuất bản Nông nghiệp, 2000

Soil science in Agricultural development

Vu Nang Dzung
President of VSSS

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU VỀ TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẤT CỦA HỘI KHOA HỌC ĐẤT VIỆT NAM

Tạp chí Khoa học Đất có giấy phép xuất bản số 342/GP-BTTTT ngày 28/6/2016 của Bộ Thông tin Truyền thông, ISSN 2525-2216.
Tên tiếng Anh: VIETNAM SOIL SCIENCE

 

024 3821 0374