Home / Tin tức / ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NÔNG NGHIỆP THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NÔNG NGHIỆP THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Nguyễn Tử Siêm[1]

 

Tóm tắt: Bài viết khái quát về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cành Biến đổi khí hậu (BĐKH) ảnh hưởng của đến phát triển bền vững sản xuất – kinh doanh nông, lâm, thủy sản nước ta. Đồng thời nêu ra nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, sắp xếp thực hiện và bố trí chi phí để đào tạo cho Phát triển Nông nghiệp bền vững và ứng phó với Biến đổi khí hậu ở các vùng trọng điểm.

Từ khóa. nhân lực chất lượng cao, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững

 

1.     KHÁI NIỆM VỀ NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC) là cụm từ chỉ chung những người lao động tinh thông một nghề nào đó, nhờ vậy họ có năng suất cao vượt trội trong nhiệm vụ của mình và tập thể mà họ phụ trách. Họ không nhất thiết có học vị cao, nhưng phải có năng lực thực tế hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc nhất, có óc sáng tạo và có đóng góp thực sự cho nâng cao năng suất của xã hội.

Vai trò của NLCLC thể hiện ở: i) Nắm bắt và định hướng quá trình hình thành và phát triển kinh tế xã hội; ii) Ứng dụng và triển khai tri thức hiện đại để phục vụ phát triển kinh tế xã hội; và iii) Sáng tạo tri thức hiện đại để hình thành nền tảng tri thức tiên tiến[5].

Trong nông nghiệp, phần lớn NLCLC là lực lượng lao động được cập nhật kiến thức mới và có kỹ năng áp dụng kỹ năng mới vào công việc, không phụ thuộc bằng cấp và chứng chỉ, thậm chí không nhất thiết phải qua các khoá đào tạo dài hạn. Họ chính là thế hệ nông dân số, nông dân toàn cầu. Họ phải được tiếp cận với kỹ thuật mới, công nghệ số, thành thạo kỹ năng áp dụng công nghệ và thiết bị mà không nhất thiết phải hiểu sâu (thế nào là giải mã gen, thế nào là AI hay blockchain là chuyên gia cao cấp phải nắm). Họ có năng lực đề xuất sáng kiến cải tiến kỹ thuật chứ không cần phải đăng ký sáng chế.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch [8], NNLCLC là nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đó là: có kiến thức: chuyên môn, kinh tế, tin học; có kỹ năng: kỹ thuật, tìm và tự tạo việc làm, làm việc an toàn, làm việc hợp tác; có thái độ, tác phong làm việc tốt, trách nhiệm với công việc.

Tiêu chí của nhà sử dụng: có 3 tiêu chí được nhiều sự đồng thuận nhất: (i) Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng xử lý thực tế, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm (30%); (ii) Có kỷ luật, đạo đức (20%); (iii) Trình độ văn hóa và kiến thức cơ bản (10%). Họ không chỉ là những con người biết làm kinh tế mà còn là những con người văn hóa, những ngừơi có đạo đức nghề nghiệp mà còn có tầm nhìn quốc tế và hành động [1].

Nguồn nhân lực chất lượng cao phải làm ra sản phẩm có chất lượng cao, chứ không phải ở bằng cấp. Ở khu vực công, việc đào tạo trước hết là nhiệm vụ của hệ thống giáo dục trên đại học quốc gia và phải được đặt lên vai các trường đại học, nhất là những đại học lớn [4].

Khi chấp nhận kinh tế thị trường thì chất lượng nông sản phải là tuỳ thuộc bên cầu, nhưng ở ta vẫn quen hối thúc bên cung chạy theo số lượng để tăng GDP nên cứ phải loanh quanh với bài toán giải cứu nông sản. Cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, chuyển từ tư duy số lượng, sản lượng sang chất lượng, chuyển mục tiêu phấn đấu đạt sản lượng sang giá trị gia tăng.

Ngành Nông lâm, Thủy sản, Thủy lợi nên đào tạo nhân lực chất lượng cao ở tất cả các cấp để có đủ thầy, đủ thợ, không phải như thời gian qua hầu hết chuyển lên đào tạo trình độ cao như cao đẳng, đại học. Các trường đào tạo chuyển sang đào tạo đa ngành, nhưng phải duy trì các ngành truyền thống được cập nhật các kiến thức hiện đại trong điều kiện mới như biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa, khoa học công nghệ mới. Lĩnh vực thuỷ sản được xác định là lĩnh vực tăng trưởng hàng đầu cho ngành nông nghiệp cần được đào tạo nâng cao chất lượng KHCN về giống, nuôi trồng, thú y phòng bệnh và bảo quản sau thu hoạch. Cần thực hiện đồng bộ cả 3 việc khai thác, bảo tồn và nuôi trồng gắn với chế biến.

Nguồn NLCLC được hiểu là tất cả người lao động, từ nông dân, công nhân cho đến cán bộ quản lý, lãnh đạo, chuyên gia, bởi vì lao động xã hội là một hệ thống của các tầng lớp lao động, của các ngành nghề liên quan với nhau. Để nông dân trở thành lao động chất lượng cao, không thể giữ tư duy truyền thống cha truyền con nối, lão nông tri điền.

Tuy nhiên trong mỗi ngành, mỗi đơn vị không phải ai cũng là NLCLC. Muốn có nguồn NLCLC cho phát triển toàn xã hội thì tất cả các bậc giáo dục, đào tạo phải đảm bảo chất lượng, cụ thể phải đảm bảo chất lượng cao cho những yếu tố cơ bản như: người được đào tạo (học sinh, sinh viên); đội ngũ thầy cô giáo; chương trình đào tạo, giáo trình và tài liệu giảng dạy, cơ sở trường lớp, phòng thí nghiệm, cơ chế chính sách.

Đã có những cố gắng đào tạo các công nghệ, kỹ thuật mới cho cán bộ. viện, trường, nông dân giỏi nhưng không gắn với doanh nghiệp nên hiệu quả thấp. Có những lý do: i) Doanh nghiệp sử dụng NLCLC đúng mục đich mới tạo ra năng suất, chất lượng nông sản cao; ii) Thông qua doanh nghiệp, học viên mới phát huy, đóng góp cho tăng trưởng, phát triển bền vững toàn xã hội; và iii) Doanh nghiệp có thể trả chi phí đào tạo và trả lương cao nhờ giá trị gia tăng cao thu được.

2.     BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

Đào tạo nguồn NLCLC trước hết cần cung cấp, và cập nhật cho học viên thông tin cơ bản dưới đây về Phát triển bền vững (PTBV) và Biến đổi khí hậu (BĐKH).

2.1.   Khái niệm phát triển bền vững và biến đổi khí hậu

Phát triển bền vững (PTBV) được định nghĩa là “sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai [7]. Nó dựa trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển diễn ra trong nhiều lĩnh vực, ở đây chỉ tập trung vào sản xuất sinh học cụ thể là liên quan đến nông nghiệp theo nghĩa rộng.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là sự thay đổi cả hệ thống khí hậu (gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển, băng quyển) hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định (tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm). Tuy nhiên thời gian gần đây, BĐKH sảy ra do tác động của các hoạt động của con người như việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp, thải ra môi trường khí nhà kính (ví dụ như khí CO2).

2.2.   Biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Việt Nam là nước dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH, đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro (CRI) khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn. BĐKH tác động đến tất cả lãnh thổ nước ta, song mỗi miền mỗi khác. Ở miền Bắc, rủi ro lớn với lũ ống, lũ quét, sạt lở đồi núi, băng giá, lốc xoáy, mưa đá. Miền Trung hứng chịu bão biển, lũ lụt, sạt đồi dốc, lở bờ biển, gió nóng, hạn khốc liệt, cát bay, v.v. Miền Nam thường bị thủy triều, nhiễm mặn, sạt bờ sông biển, Suốt dọc miền duyên hải ngư dân đương đầu với bão, giông tố, lốc xoáy, vòi rồng.

Những diễn biến của BĐKH tại Việt Nam bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng gia tăng về tần suất và thường khó dự đoán. Từ “kỷ lục” luôn gắn với các hiện tượng “mưa lớn”, “nắng nóng”, “lũ lụt” đã và đang xuất hiện ngày càng phổ biến. Những kỷ lục mới vẫn được thiết lập mỗi năm. Năm 2017 được coi là năm kỷ lục về thiên tai (16 cơn bão, lũ lịch sử trái quy luật); có năm sảy ra tới 18 – 19 cơn lốc. Năm 2018 kỉ lục về nhiệt độ trong vòng 46 năm qua tại Hà Nội [3].

Với bờ biển dài 3.260 km, nước biển dâng gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Việt Nam. Khi mực nước biển dâng lên 100 cm, diện tích đất bị mất đi của Việt Nam sẽ lên tới 40.000 km2, chiếm 12,1 % tổng diện tích đất, kéo theo hệ quả 17,1 triệu người (23,1 % dân số) sẽ mất đi nơi sinh sống, BĐKH tác động tới nông nghiệp, tới sản lượng, phát sinh các virus mới và những virus đột biến gây bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và động vật.

2.3.   Giảm thiểu tác động và ứng phó với BĐKH

Việt Nam đã đưa ra những chính sách và triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Những chính sách này tập trung nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH. Các hoạt động thích ứng với BĐKH tới năm 2030 bao gồm:

  1. Đạt ít nhất 90% các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội được lồng ghép vấn đề quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH;. Hoàn thành 100% việc xây dựng các khu neo đậu tầu, thuyền tránh trú bão và 100% tầu, thuyền đánh bắt xa bờ có đủ thiết bị thông tin liên lạc;
  2. Nâng độ che phủ rừng lên 45%; nâng diện tích rừng phòng hộ ven biển lên 380.000 ha, trong đó trồng thêm rừng ngập mặn từ 20.000 đến 50.000 ha;
  3. Đạt ít nhất 90% dân cư thành thị và 80% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; và 100% số dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Giảm 2%/năm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm.

Đến nay, Việt Nam đã thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính vào các năm 1994, năm 2000, và năm 2010. Năm 2017, Việt Nam đã báo cáo LHQ mức phát thải tham chiếu rừng của cả nước tại mức 59.960.827 tấn CO2 tương đương hàng năm (tCO2 eq/năm) và mức tham chiếu rừng –39.602.735 tấn CO2 tương đương/năm.

Đóng góp dự kiến do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam (INDCs) bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU). Mức đóng góp 8% ở trên có thể được tăng lên thành 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới.  Phương thức triển khai, giám sát và đánh giá việc thực hiện những hoạt động thích ứng với BĐKH được thể hiện trong “Thông cáo Quốc gia” của Việt Nam và “Báo cáo cập nhật hai năm một lần của Việt Nam cho Công ước khung của LHQ về BĐKH” [2].

2.4.   Một số hạn chế và thách thức

Ngoài những hạn chế về tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách để đối phó với BĐKH. Nhận thức về BĐKH vẫn còn hạn chế, và còn thiếu những thỏa thuận liên quan đến rủi ro và cách thức ứng phó với BĐKH. Mặc dù nhiều văn bản và chính sách đã được ban hành, việc ứng phó với BĐKH còn chậm, thiếu tính đồng nhất giữa các lĩnh vực và chưa phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan cấp trung ương và địa phương.

Ngoài ra, dữ liệu liên quan đến phát triển môi trường bền vững – một trong những nội dung quan trọng trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) hiện còn rất hạn chế. Hiện tại chỉ có dữ liệu cho 14 trên tổng số 67 chỉ tiêu toàn cầu về phát triển bền vững liên quan đến phát triển môi trường bền vững (chiếm 20,8 %) trên hệ thống của Tổng cục Thống kê của Việt Nam [6].

Từ những thông tin chính thức về toàn cảnh BĐKH ở Việt Nam có thể rút ra những điểm cơ bản chi phối chiến lược ứng phó và chuẩn bị nguồn NLCLC cho PTBV nền kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản như sau:

  1. BĐKH tác động trên diện rộng toàn lãnh thổ (bao gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển) thường xuyên và liên tục. Do vậy vừa phải ứng phó tức thời vưà phải phòng tránh từ xa.
  2. Tai biến ngày càng nhanh, phi truyền thống (chẳng hạn tuyết rơi, sạt đất, lở bờ sông biển), rất khó dự báo cho nên phòng tránh từ xa phải là chu đạo, đồng thời phải sẵn sàng ứng phó tức thời, tại chỗ.
  3. Trước kia chúng ta tập trung vào phân khúc sản xuất sản phẩm sơ cấp, ảnh hưởng của BĐKH thể hiện trực tiếp, đơn tuyến và dễ thấy. Nay sản xuất-kinh doanh theo chuỗi, tác động của BĐKH ẩn khuất trong từng phân khúc, khó nhận diện. Hậu quả của nó là kép và thứ cấp nhưng khi phát hiện thì đã muộn để khắc phục.
  4. Các yếu tố tiêu cực đến kinh tế, xã hội & môi trường (đất, nước, không khí, ô nhiễm, phát thải,…) phải tránh và cảnh báo trong mọi dự án và hoạt động sản xuất-kinh doanh. Đánh giá tác động phải bao gồm cả 3 lãnh vực (kinh tế, xã hội & môi trường). Phương thức triển khai, giám sát và đánh giá việc thực hiện những hoạt động thích ứng với BĐKH được thể hiện trong “Thông cáo Quốc gia” của Việt Nam và “Báo cáo cập nhật hai năm một lần của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH”.
  5. Chúng ta đã có cam kết quốc tế về cả 2 lĩnh vực BĐKH & PTBV cụ thể là nước ta ký nhiều hiệp định song phương, đa phương, công ước quốc tế trong đó có nhiều điều khoản phải tuân thủ.

Nhân lực chất lượng cao phải được trang bị các loại kiến thức cơ bản và cập nhật thông tin như trên về BĐKH mới có thể đủ năng lực, tùy vị trí của mình xử lý hậu quả, bảo đảm cho PTBV.

3.     VỀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CHO NÔNG NGHIỆP

3.1.   Đánh giá nhu cầu NLCLC cho Nông nghiệp

Sản xuất – kinh doanh trong nông nghiệp là các ngành lấy sinh vật làm đối tượng như cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật; về quản lý ngành nông nghiệp thường chia ra các tiểu ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản. Trong PTNN & NT nước ta hiện nay, các tiểu ngành này  được chú trọng hơn cả, vì lẽ (i) Cung cấp lương thực cơ bản cho toàn dân, bảo đảm vững chắc ATLT; (ii) Cung cấp thực phẩm bảo đảm ANTP cho sức khỏe cộng đồng; (iii) Đóng góp vào thu nhập quốc dân thông qua bán nông, lâm, thủy sản; và (iv) Tạo việc làm cho khu vực nông thôn.

Các lĩnh vực trên cần nhiều NLCLC để giúp cho doanh nghiệp, công ty, tổ chức tiếp cận được nhanh nhất với tri thức và công nghệ hiện đại và phù hợp nhất, cấp thiết nâng cao khả năng cạnh tranh nông sản, thực phẩm trên thị trường nội địa và tiến xa hơn vào thị trường thế giới.

Hoạt động nông nghiệp phân bổ ở tất cả cac vùng cả nước, song cần chú trọng đào tạo NNLCLC cho các vùng có tổng sản phẩm sinh học lớn và đa dạng, tỷ trọng sản phảm xuất khẩu cao, có nhu cầu cấp bách nhân lực cao và có nguồn dồi dào để chọn cho đào tạo. Đó là các vùng  ĐBSH, ĐBSCL, Tây Nguyên, Duyên hải; và trong nhiều tỉnh có hòan cảnh tương tự ở các vùng còn lại.

Việc đào tạo NNLCLC luôn phải dựa trên đánh giá nhu cầu gắn với thị trường khu vực với địa phương, đơn vị sử dụng và hiệu quả sử dụng nhân lực vì đơn vị, doanh nghiệp sử dụng sẽ phải trả chi phí cho việc đào tạo. Với các vùng có nông sản thương mại hóa cao, càng cần thiết phải xem xét nhu cầu đào tạo bằng tầm nhìn xa, với con mắt dự báo cho phát triển nông sản đa dạng và đột biến (tránh trường hợp người Việt thất nghiệp trong khi lao động ngoại nhập chất lượng không cao tràn vào).

Để có tư duy và kỹ năng đáp ứng nhu cầu thực tiễn, NNLCLC phải được đào tào toàn diện, có hệ thống về ngành học, ngoài ra trong bối cảnh, xu thế phát triển hiện nay, cần bổ sung một số kiến thức không thể thiếu: (1) Tư duy sáng tạo (2) Các kiến thức công nghệ thông tin (3) Kỹ năng thực hành, thực tế và khả năng tổng hợp, tích hợp các vấn đề vừa kiên trì nguyên tắc PTBV, vừa năng động thích ứng với BĐKH.

Những kiến thức và kỹ năng đào tạo tùy vào loại hình nhân lực, đại thể phân thành 2 nhóm lớn theo mục tiêu làm “thợ” hay làm “thầy”.

3.2.   Nội dung đào tạo cho Nhóm những người thực hiện (“thợ”)

Nội dung cần đào tạo tùy theo mục tiêu của mỗi nhóm nhân lực: nông dân, người lao động liên kết, người quản lý, doanh nhân, chuyên gia… nên không có một nội dung chung cho tất cả. Cần lưu ý một nội dung cần phối hợp đào tạo là tư duy của người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp cả trong nước và ngoài nước, mà việc đào tạo tư duy này thì các phương tiện truyền thông như báo chí, mạng xã hội… đóng vai trò rất quan trọng.

Các công nhân, nông dân, viên chức bình thường không thuộc nhóm này. Nhóm mục tiêu này gồm các công nhân, nông dân đã có học vấn cơ bản, đang hoặc sẽ thực hịện các công đoạn cuả sản xuất-kinh doanh nông sản chất lượng cao. Tùy theo mục tiêu của sử dụng nhân lực mà chọn một hay một số nội dung sau (học để hành, chứ không phải phổ biến kiến thức).

Họ đã có kỹ năng cơ bản, có tri thức bản địa, thành thục một số công đoạn ở phân khúc sản xuất, tuổi trẻ đến trung niên. Cần nâng cao tri thức cơ bản tối thiểu, trong khi đào tạo kỹ năng mới một cách thuần thục về Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm sạch, Nông nghiệp hữu cơ, v.v. Cung cấp cho họ tri thức về ATTP, GAPs, BVMT, v.v. Về ngoại ngữ, họ phải thành thạo tiếng Anh và thứ tíếng mà ta có quan hệ giao thương quan trọng nhất. Nâng cao tính kỷ luật, tính chính xác, làm việc nhóm trong dây chuyền SX-KD

Những người trẻ ưu tú, xuất sắc nhất trong nhóm này là nguồn để lựa chọn bổ sung vào nhóm cán bộ phụ trách (ở cấp Kỹ sư trưởng, CEO, Công trình sư, Trưởng nhóm nghiên cứu).

3.3.   Nội dung đào tạo cho Nhóm những người phụ trách (“thầy”)

Gồm những người ưu tú, có năng lực toàn diện, tư duy tự sáng tạo, sáng nghiệp tìm ra sản phẩm mới, mặt hàng mới, tạo ra việc làm cho người khác. Họ chịu trách nhiệm về chiến lược phát triển cho đơn vị mình. Họ phải đủ năng lực tự mình cập nhật thông tin, đổi mới tư duy, nhanh nhạy nắm bắt công nghệ tiên tiến, dẫn dắt đơn vị mình, ngành mình, địa phương mình vào cuộc cạnh tranh quyết liệt giành thị phần.

Nhóm này cần là người trẻ, có quyết tâm dấn thân, đã được sàng lọc, cần tập huấn ngắn, tham quan, hội thảo giao lưu đặc biệt (với đại sứ, các nhân vật,…). Họ có nhu cầu tự học cao, quĩ thời gian hạn hẹp, ít khi theo học lấy bằng cấp (có vô số ví dụ về doanh nhân, AHLĐ, nhà khoa học xuất sắc kiểu này). Tập trung vào quản trị doanh nghiệp, dự báo và phân tích, nắm bắt tín hiệu thị trường và cả quản trị nhân sự.

Tùy nhu cầu vị trí trách nhiệm mà bổ sung, cập nhật về chuỗi giá trị, nông nghiệp số hóa, quyền sở hữu trí tuệ, pháp lý kinh doanh, thuế quan, tranh chấp trong kinh doanh quốc tế. Kỹ năng tổ chức tổ chức và vận hành hệ thống logistics, xuất khẩu, kho vận, kiểm dịch, thông quan, tổ chức sàn chứng khoán nông sản, v.v.

Có thể tổ chức các khoá học chuyên sâu về công nghệ mới trong lãnh vực liên quan (khoảng từ 1-3 tháng). Có thể cử chuyên gia đi học ở nước ngoài rồi về tổ chức tập huấn lại trong nước. Điều cần chú ý là đa số cán bộ chuyên môn đào tạo trong nước không sử dụng được tiếng Anh, nhất là tiếng Anh chuyên ngành dù có bằng thạc sĩ, tiến sĩ nên khó tiếp thu được kỹ thuật, công nghệ mới. Hiện nay các trường đại học tự tổ chức cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung Châu Âu thì cần nghiêm khắc tuân thủ, không châm chước[2].

Nông nghiệp tiến hành trong môi trường đa dạng và sống động (đất, khí hậu, sinh vật, con người), NLCLC ở cương vị phụ trách nhất thiết phải tự bồi dưỡng hay được bồi dưỡng kiến thức đa ngành, liên ngành (tầm cỡ kiến trúc sư, công trình sư) mới đảm đương được chức phận lãnh đạo.

3.4.   Sắp xếp đào tạo NNLCLC

 

Mạng lưới đào tạo thường có hai nhánh:chính thức và không chính thức. Mạng lưới chính thức do nhà nước hay các tổ chức được nhà nước theo dõi, quản lý (như các trường, viện, hiệp hội lúa gạo, cà phê). Mạng lưới không chính thức thuộc khu vực tư (đào tạo trong các nhóm nông dân, nông trại, người tiêu dung do các chuyên gia, doanh nhân tín hành), tuy không có quy chế chặt chẽ, nhưng lại có ảnh hưởng mạnh. Cần phải kết hợp cả hai mạng lưới này để có kết quả tốt trong đào tạo.

Nhà nước chủ yếu đầu tư đào tạo nâng cao theo hệ thống trường công lập theo yêu cầu của các đơn vị Nhà nước. Còn lại xã hội hóa (tư nhân, công ty, doanh nghiệp, các tổ chức tài trợ) theo yêu cầu) thường cần đào tạo tại chỗ và thường xuyên. Huy động nhân lực đào tạo (giảng dạy nâng cao) nên từ các trường trong hệ thống các cơ sở đào tạo (công lập và dân lập) để đảm bảo chất lượng cao và có đủ các giảng viên giỏi từng lĩnh vực cần nâng cao.

Từng ngành phải đào tạo toàn diện từ lý thuyết đến thực hành, ứng dụng,  tránh tình trạng chỉ biết “ngọn” mà không biết “gốc”. Tập trung chất lượng cao vào đội ngũ giảng dạy vì đây là “máy cái” của đào tạo, tiếp theo là đội ngũ cán bộ đầu ngành, đầu đàn, chuyên gia là những người có thể xử lý, giải quyết một cách sáng tạo các vấn đề phức tạp nảy sinh.

Các công ty, tập đoàn cần đứng ra tổ chức đào tạo, mời giảng viên cấp cao chuyên sâu, thành thạo vận hành, mở tập huấn về nâng cao kỹ năng cụ thể, họn từ các công nghệ tiên tiến phù hợp với nông nghiệp Việt Nam, sát nhất với cơ sở, học về làm ngay.

Hệ thống đào tạo liên ngành sau ĐH chọn những học viên xuất sắc nhất để ươm mầm những nhà chọn giống, nhà qui hoạch, kỹ sư trưởng, nhà thiết kế máy nông nghiệp, thuyền trưởng, máy trưởng, lãnh đạo nhóm nghiên cứu (cơ bản hoặc ứng dụng), v.v.

3.5.   Chi phí đào tạo NNLCLC

Đào tạo NNLCLC là nhu cầu cấp thiết cho phát triển vì lẽ năng suất lao động của ta thấp, và ngày càng thấp hơn so với các nước. Kết quả đào tạo đem lại lợi ich cho các bên tham gia (cá nhân, đơn vị, cộng đồng) được đào tạo cũng như thực hiện đào tạo. Do vậy, chi phí phải được đóng góp bởi những tác nhân hưởng lợi.

Ngân sách nhà nước cho các đơn vị đào tạo của nhà nước (trường, viện, doanh nghiệp quốc doanh), chỉ rõ giành cho đào tạo NNLCLC và chi cho các hạng mục nào. Cần hình thành Quỹ hỗ trợ đào tạo NNLCLC với sự đóng góp của Nhà nước và Khu vực tư như các nước đã làm.

LỜI KẾT

Nông nghiệp Việt Nam dù đạt được những thành tựu nổi bật vẫn là một nền kinh tế qui mô nhỏ, phân tán, hiệu quả không cao (tăng trưởng bề rộng dựa vào diện tích sản lượng hơn là vào chất lượng) vì thế giá trị gia tăng cũng như năng suất lao động còn thấp. So với các nền kinh tế đang phát triển, nông nghiệp nước ta có những cơ hội lớn (GDP đã ở mức thu nhập trung bình thấp, lực lượng lao động có học vấn còn trẻ, CNTT phổ cập rộng,nhiều công nghệ mới có thể sẵn sàng sử dụng, v.v.).

Cái đang thiếu cho một bước đột phá trong Nông nghiệp là NNLCLC. Trong môi trường đa dạng và biến động của BĐKH, kinh tế số và cạnh tranh toàn cầu, NLCLC ở cương vị phụ trách (“Thầy”) nhất thiết phải tự bồi dưỡng hay được bồi dưỡng kiến thức đa ngành, liên ngành (tầm cỡ CEO, kiến trúc sư, công trình sư) mới đảm đương được chức phận truyền dạy hay lãnh đạo một cách sáng tạo. Có nhiều ví dụ như Trần Văn Hoằng, Trần Thị Sương, Đặng Lê Nguyên Vũ,, Trần Mạnh Báo, Huỳnh Công Cua,Mai Kiều Liên,… Ở cấp trực tiếp thực hiện NLCLC (“Thợ”) người lao động (nông dân, công nhân, doanh nhân trẻ, nhân viên) phải được đào tạo lại, trang bị thêm các kỹ năng mới, tiên tiến, mới có thể thực hiện thành thạo các công đoạn của sản xuất-kinh doanh nông sản chất lượng cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoàng Thanh Hằng.Nguồn nhân lực chất lượng cao là gì, https://timviec365.vn/blog/nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-la-gi-new6781.html
  2. Nguyễn Thế Chính, Ảnh hưởng của BĐKH đối với nước ta: Thực trạng và giải pháp. http://hdll.vn/vi/nghien-cuu—trao-doi/anh-huong-cua-bien-doi-khi-hau-doi-voi-nuoc-ta-thuc-trang-nhung-van-de-moi-dat-ra-va-giai-phap.html
  3. Open Development Vietnam. Biến đổi khí hậu tại Việt Nam. https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/climate-change/
  4. Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nền kinh tế số. https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ d17141.html
  5. Tạp chí Tổ chức nhà nước, Một số vấn đề về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam. https://tcnn.vn/news/detail/35262/.html
  6. Tăng Thế Cường, Biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức an ninh. http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Bien-doi-khi-hau-dang-tro-thanh-thach-thuc-an-ninh/426560.vgp
  7. Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới – WCED (nay là Ủy ban Brundtland), Báo cáo Brundtland (còn gọi là Báo cáo Our Common Future), 1987.
  8. Viện Ngiên cứu Phát triển Du lịch, Những vấn đề cơ bản về nguồn NLCLC, http://itdr.org.vn/nghien_cuu/nhung-van-de-co-ban-ve-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao/

Lê Minh Hoan. https://nld.com.vn/thoi-su/bo-truong-le-minh-hoan-nganh-nong-nghiep-tiep-tuc-la-tru-do-cua-nen-kinh-te-20211007115103531.htm

Lê Minh Hoan. https://tuoitre.vn/bo-truong-le-minh-hoan-se-lam-nong-nghiep-nhu-mo-hinh-uber-grab-20211028190952248.htm

[1] GS TS Nông nghiệp, Ban Biên soạn Bách khoa toàn thư Nông nghiêp & Thủy lợi

[2] Công chức Hàn Quốc phải có chứng chỉ TOEIC (từ 700 điểm) hoặc TOEFL (từ 7.0 điểm).

024 3821 0374