Home / Tin tức / BÀN VỀ KHOA HỌC QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

BÀN VỀ KHOA HỌC QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

Tôn Gia Huyên

Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025) đang được trình Quốc hội thông qua đã thể hiện quy mô và tầm quan trọng của Quy hoạch sử dụng đất trong xây dựng đất nước. Quy hoạch sử dụng đất chính là “bản tổng phổ” của bài ca phát triển.

Hưởng ứng Thảo luận về quản lý sử dụng đất đai Việt Nam, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của tác giả Tôn Gia Huyên về khoa học quy hoạch sử dụng đất.

                                                                                        Ảnh: Vũ Long

 

“Của cải của một nước không gì bằng đất đai”

Phan Huy Chú (1782-1840)

“Tổ quốc ta có hai tiếng đất, nước. Có đất, có nước là có Tổ quốc”

Hồ Chí Minh (1980-1969)

 

Xã hội loài người xưa nay vốn rất coi trọng việc nghiên cứu đối với đất đai. Riêng đối với Việt Nam – tộc người tồn tại trên dải đất hình chữ S này – lại càng quan tâm nhiều hơn vì luôn trong tình trạng “đất chật – người đông” [1] cùng với những đặc trưng về địa hình – địa mạo – địa lý – nhân văn… mà ít nơi nào có được. Nên việc tìm hiểu mọi căn nguyên, nguồn gốc của đất đai để làm sao sử dụng được hiệu quả nhất trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất và sớm nhất.

Đất đai vốn là một loại tài nguyên thiên nhiên đặc biệt gắn chặt với đời sống của con người, không tăng thêm và cũng không giảm đi! Phải từ góc nhìn của khoa học tài nguyên để nghiên cứu về quy luật phân bố, loại hình, số lượng, chất lượng, tiềm năng, tình trạng sử dụng và sự bền vững… Đồng thời trong quá trình con người đầu tư lao động vào loại tài nguyên này sẽ làm phát sinh những vấn đề về giá trị của tài nguyên, hoạt động của doanh nghiệp về tài nguyên, chế độ khai thác và sử dụng tài nguyên… nên còn phải từ góc nhìn của kinh tế học, khoa học quản lý, luật học, khoa học xã hội… để nghiên cứu về chế độ sử dụng, cách thức quản lý, phát triển doanh nghiệp, những tác động đến tăng trưởng kinh tế… Mặt khác, từ góc nhìn về khả năng sử dụng tài nguyên bền vững để nghiên cứu tiếp các vấn đề về chế độ xã hội, hệ thống phân phối, sắp xếp lại tài nguyên… theo quy luật phát triển của nhận thức và hành vi. Ngoài ra do đặc trưng khu vực của tài nguyên, những hoạt động liên quan đến quá trình sử dụng và nghiên cứu khoa học về đất đai còn cần đến sự hỗ trợ của nhiều kỹ thuật hiện đại như trắc địa, thông tin, thống kê, phân tích… Do đó, khoa học về quy hoạch sử dụng đất là một môn khoa học ứng dụng dung hợp cả về lý luận và phương pháp của nhiều ngành khoa học khác. Khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì con người càng có thêm điều kiện để đi càng sâu vào những vấn đề nêu trên – từ đó dần hình thành một ngành khoa học ứng dụng ngày càng phát triển.

Trên phạm vi rộng, năm 1993 Tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc (FAO) cho rằng: “Quy hoạch sử dụng đất là quá trình đánh giá một cách hệ thống đối với tiềm lực về tài nguyên đất, nước trong việc sử dụng đất và cải thiện điều kiện kinh tế xã hội với mục đích là để lựa chọn và thực hiện một phương án sử dụng đất tối ưu, thỏa mãn được nhu cầu an toàn đối với đất đai của cộng đồng trong tương lai. Động lực trước tiên của quy hoạch sử dụng đất là nhu cầu của phát triển, nhu cầu của việc cải thiện công tác quản lý hoặc do sự thay đổi của điều kiện dẫn đến yêu cầu phải lựa chọn những phương án sử dụng đất khác nhau…”

Cụ thể hơn, có thể hiểu rằng quy hoạch sử dụng đất là con người căn cứ vào yêu cầu của phát triển và các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và hiện trạng của địa phương để tiến hành tối ưu hóa bố cục không gian của việc sử dụng đất trong một phạm vi xác định, đồng thời quy định luôn thời gian, biện pháp, chính sách tương ứng để phát huy tối đa công năng tổng hợp của đất đai – đó cũng chính là biện pháp để giới hạn và khống chế việc sử dụng đất vì lợi ích lớn nhất của cộng đồng.

 

                                                                                        Ảnh: Vũ Long

 

Nói chung, quy hoạch sử dụng đất có 4 nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Cân bằng cung cầu về đất đai. Sự gia tăng nhân khẩu và phát triển kinh tế làm cho nhu cầu về đất đai có xu hướng ngày càng tăng trong khi nguồn cung về đất đai là có hạn, tạo nên mâu thuẫn thường xuyên về cung – cầu. Sự mất cân bằng này dẫn đến nguy cơ làm hủy hoại và lãng phí tài nguyên, cơ cấu kinh tế mất cân đối. Do đó việc điều tiết quan hệ cung cầu này là nhiệm vụ hàng đầu của quy hoạch sử dụng đất, phải tuân thủ theo các quy luật phát triển về kinh tế, tự nhiên và xã hội, đảm bảo được hiệu quả tối ưu.

Tối ưu hóa cơ cấu sử dụng đất. Cơ cấu sử dụng đất là nội dung cốt lõi của hệ thống sử dụng đất – cơ cấu quyết định công năng. Việc điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất là căn cứ vào nhu cầu phát triển của nền kinh tế, điều kiện xã hội và sinh thái của từng khu vực: Căn cứ vào định hướng chiến lược phát triển của từng vùng để tiến hành bố cục không gian để việc sử dụng phù hợp với từng loại đất. Thực chất của cơ cấu sử dụng đất là tỷ lệ về diện tích sử dụng đất giữa các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Tối ưu hóa sử dụng đất là trong điều kiện không phải tăng thêm đất mà vẫn chọn được một cơ cấu mới làm tăng hiệu quả sử dụng đất. Trọng tâm của nội dung quy hoạch sử dụng đất là tìm được một cơ cấu sử dụng đất tối ưu.

Bố cục tổng thể sử dụng đất. Việc sử dụng đất luôn tồn tại trong một không gian nhất định. Quy hoạch sử dụng đất là thuộc về lĩnh vực quy hoạch không gian. Nội hàm không gian vốn tồn tại nhiều yếu tố khác nhau, riêng đối với quy hoạch sử dụng đất thì đó là tổng thể của việc sử dụng đất. Sắp xếp hợp lý bố cục sử dụng đất là xác định ai (đơn vị nào) được sử dụng loại đất nào, sản lượng là bao nhiêu, với trạng thái phân bố ra sao, rồi căn cứ vào chất lượng của đất đai và điều kiện môi trường để tiến hành phân vùng (đặt tên cho không gian được quy hoạch), tạo điều kiện để việc sử dụng đất của các ngành trở thành hiện thực.

Thiết kế chi tiết sử dụng đất. Sau khi xác định được vị trí và số lượng các loại sử dụng đất thì phải giải quyết và thiết kế chi tiết sử dụng đất. Bố cục tổng thể chủ yếu giải quyết số lượng và vị trí sử dụng đất. Thiết kế chi tiết là trên cơ sở đó tiến hành tổ chức sử dụng  một cách hợp lý, nâng cao tối đa sức sản xuất, tỷ suất sử dụng đất, thâm dụng đất đai. Thiết kế chi tiết sử dụng đất là biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện môi trường, phát huy khai thác tiềm năng to lớn để sử dụng đất đai bền vững phụ thuộc vào năng lực kỹ thuật của các ngành sử dụng đất.

 

                                                                                                  Ảnh: Vũ Long

Nội dung của quy hoạch sử dụng đất phụ thuộc vào đối tượng, phạm vi và nhiệm vụ cụ thể. Căn cứ vào đối tượng quy hoạch, có thể chia thành quy hoạch sử dụng đất đô thị và quy hoạch sử dụng đất nông thôn. Nếu theo phạm vi có thể chia thành quy hoạch sử dụng đất theo vùng và quy hoạch sử dụng đất theo từng đơn vị cụ thể. Nếu theo nhiệm vụ thì có thể chia thành quy hoạch sử dụng đất tổng thể, quy hoạch sử dụng đất chi tiết và quy hoạch sử dụng đất chuyên đề. Nhìn chung, quy hoạch sử dụng đất bao gồm các nội dung sau đây: (i) Phân tích và đánh giá hiện trạng sử dụng đất; (ii) Phân tích tiềm năng sử dụng đất; (iii) Dự báo về cung cầu đất đai; (iv) Cân đối cung cầu đất đai và cơ cấu sử dụng đất; (v) Phân vùng sử dụng đất và bố cục các hạng mục sử dụng đất; (vi) Quy hoạch sử dụng đất cho các khu dân cư đô thị / nông thôn; (vii) Quy hoạch đất dùng cho giao thông; (viii) Quy hoạch đất dùng cho sản xuất nông nghiệp; (ix) Quy hoạch đất dùng cho công trình thủy lợi; (x) Quy hoạch đất dùng cho xây dựng môi trường sinh thái; (xi) Quy hoạch đất chuyên ngành (chợ, bến cảng, khu công nghiệp, sân bay, khu bảo tồn, khu sinh thái, quốc phòng…) (xii) Phân tích chi phí sử dụng đất và lợi ích (kinh tế và phi kinh tế) (xiii) Thực hiện và triển khai quy hoạch (tổ chức phân công và những chính sách, quy định kèm theo)…

Tùy vào điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của từng nơi để lựa chọn tăng hoặc giảm các nội dung trên.

===========

[1] Theo Dự án Dân số thế giới của Liên hiệp quốc lưu trữ tại Way back Machine, dữ liệu của năm 2002 thì mật độ dân số Việt Nam là 278 người/km2 đứng thứ 43/244 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới)

 

024 3821 0374