Home / Tin tức / QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI VIỆT NAM: TỔNG CỤC QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT (1979-1992)

QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI VIỆT NAM: TỔNG CỤC QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT (1979-1992)

QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI VIỆT NAM: TỔNG CỤC QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT (1979-1992)

Ts. Nguyễn Đình Bồng

Theo Nghị quyết số 548 NQ-QH ngày 24/5/1979 của UBTVQH, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị Định số 44-CP ngày 9/11/1979 về việc thành lập Tổng cục Quản lý Ruộng đất trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Tổng cục ra đời trước thời kỳ đổi mới (1986), trong lúc nền kinh tế nước ta còn chậm phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu. Cơ quan trung ương đóng trụ sở tại phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, nguyên là trụ sở của Vụ Quản lý Đất đai thuộc Bộ Nông nghiệp, tòa nhà chính là một biệt thự xây dựng từ thời Pháp thuộc, sau cơi nới là nơi làm việc cho lãnh đạo Tổng cục và các vụ quản lý Nhà nước. Một tòa nhà 2 tầng được xây mới cho các đơn vị sự nghiệp (Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên đất, Công ty Vật tư và Xí nghiệp In tổng cục). Biên chế Tổng cục khoảng hơn 100 người do ông Tôn Gia Huyên làm Tổng cục trưởng và ông Vũ Ngọc Tuyên làm Tổng cục phó, năm 1992 thêm Phó Tổng cục trưởng Chu Văn Thỉnh. Ở các địa phương thành lập Chi cục Quản lý Ruộng đất, sau là Ban Quản lý Ruộng đất (tách ra từ phòng quản lý ruộng đất thuộc Sở Nông nghiệp các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương).

Giai đoạn này thực hiện Quyết định số 201-CP ngày 1/7/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước và Chỉ thị số 299/TTg ngày 10-11-1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước. Tuy nhiên cơ sở vật chất kỹ thuật còn lạc hậu (Đo đạc bản đồ giải thửa bằng thước toàn đạc [tầm ngắm 20m], bản đồ đo vẽ, nhân sao thủ công (in Ozalit). Phân hạng đất lúa nước trên cơ sở kết hợp các yếu tố chất lượng đất: địa hình tương đối, độ dầy tầng canh tác, chế độ tưới tiêu, pH KCl, đạm, lân dễ tiêu, và năng suất lúa.

Những thành tựu nổi bật của Quản lý đất đai Việt Nam trong giai đoạn này:

– Xây dựng cơ sở pháp lý quản lý đất đai theo Hiến pháp 1980, Quyết định số 201-CP ngày 1-7-1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước và Luật Đất đai 1987, Luật này được xây dựng công phu (với 70 lần dự thảo trước khi trình Quốc hội thông qua) và là sắc luật đầu tiên được Quốc hội ban hành trong thời kỳ Đổi mới, đánh dấu sự trưởng thành của Quản lý nhà nước về đất đai ở Việt Nam theo pháp luật.

– Hoàn thành công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước theo Chỉ thị số 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ: Trong đó đến năm 1986 hoàn thành phân hạng đất lúa nước cấp huyện, tại 223 huyện với 2.800.000 ha đất lúa.

– Hợp tác quốc tế: tháng 3/1993 tại Hà Nội Chính phủ Việt Nam và Chính phủ West Australia đã ký hiệp định hợp tác Nghiên cứu khả thi hệ thống quản lý đất đai Việt Nam. Theo đó 30 chuyên gia West Australia đã sang Việt Nam và 30 cán bộ Việt Nam đã đến Perth Thủ đô West, Australia nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật và xây dựng báo cáo khả thi xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại ở Việt Nam.

024 3821 0374